Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Techcombank là ngân hàng hàng đầu, đủ khả năng dẫn dắt những “cuộc chơi” lớn

"Bất kỳ nền kinh tế đang phát triển nào cũng cần đến những nhà băng có hệ số an toàn vốn vững chắc, và Techcombank là một ngân hàng như vậy"- Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Techcombank là ngân hàng hàng đầu, đủ khả năng dẫn dắt những “cuộc chơi” lớn - Ảnh 1.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa.

Thưa ông, nhìn vào kết quả hoạt động của các ngân hàng thời gian qua, ông có ấn tượng với sự phát triển của ngân hàng nào?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi thực sự ấn tượng với sự tăng trưởng và lớn mạnh của Techcombank. Đến giữa năm 2020, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, Techcombank đã lọt vào top 5 ngân hàng lớn nhất của Việt Nam, có tổng tài sản xấp xỉ 400 nghìn tỷ đồng.

Đây cũng là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất của Việt Nam.

Bất kỳ nền kinh tế đang phát triển nào cũng cần đến những nhà băng có hệ số an toàn vốn vững chắc, và Techcombank là một ngân hàng như vậy.

Vì vậy, để có thể vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, trong hành trình trở thành ngân hàng thương mại số 1 của Việt Nam, họ phải có một chiến lược phát triển mới so với giai đoạn trước, khi còn là ngân hàng cấp trung.

Đó là chiến lược để trở thành ngân hàng hàng đầu, có đủ khả năng dẫn dắt những "cuộc chơi" lớn. Và ngân hàng số 1 thường tập trung toàn bộ hoạt động trên ba lĩnh vực chính: Một là, cho vay doanh nghiệp lớn theo chuỗi giá trị; hai là, hoạt động dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp và kinh doanh nguồn vốn (ngoại tệ, hoạt động trên thị trường phái sinh); ba là, tài trợ thương mại - xuất nhập khẩu. Cả ba lĩnh vực này, Techcombank đều đang hướng tới và có tốc độ tăng trưởng tốt.

Điều gì khiến Techcombank có được sự bứt tốc như vậy? Và điều gì để Techcombank có thể giữ được và tăng tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới, thưa chuyên gia?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đối với Techcombank, theo quan sát của tôi thời gian qua và dự báo trong những năm tới đây, ngân hàng này chắc chắn sẽ tiếp tục hướng vào các doanh nghiệp lớn, có quan hệ truyền thống tốt. Đó đều là những tập đoàn có liên quan nhiều đến thị trường bất động sản, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm.

Trên thực tế, đây cũng là những doanh nghiệp có đòi hỏi rất cao về công nghệ. Ví dụ như công nghệ cơ khí chế tạo của VinFast, hoặc công nghệ chế biến thực phẩm của Masan. Và có thể nói, đây là hai công nghệ cao cấp hàng đầu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Techcombank là ngân hàng hàng đầu, đủ khả năng dẫn dắt những “cuộc chơi” lớn - Ảnh 2.

Tại Đại hội đồng cổ đông hồi giữa năm, Chủ tịch Techcombank cho biết ngân hàng chỉ lựa chọn lĩnh vực tốt nhất để tham gia mà không dàn trải, đồng thời lựa chọn một số khách hàng tốt để tập trung phục vụ. Điều này có tác động như thế nào đến hiệu quả kinh doanh, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nhìn chung, nếu ngân hàng tiếp cận nhiều khách hàng và nhiều lĩnh vực mà không kiểm soát được rủi ro thì sẽ dễ nhận lấy thất bại.

Tôi rất đồng ý với quan điểm cần tập trung trong việc lựa chọn. Có nghĩa, thay vì làm việc với 10 khách hàng, ngân hàng chỉ cần tập trung vào 3 khách hàng tốt nhất, lớn nhất để kiểm soát được rủi ro.

Việc tập trung vào một số lĩnh vực như vậy không những có nhiều cơ hội tăng lợi nhuận, mà còn giảm thiểu được rủi ro, khi kiểm soát được các hoạt động tín dụng một cách dễ dàng hơn. Người đứng đầu Techcombank có tầm nhìn rất tốt, khi nhận ra và hợp tác với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, đệm tài chính an toàn. Nhưng cũng phải nhận thấy rằng, những ngành đó có rủi ro lớn, bởi cạnh tranh rất khốc liệt.

Có hai vấn đề được đặt ra là: Thứ nhất, Techcombank vẫn kiên định với việc tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng (CASA) chính là cơ sở để đảm bảo an toàn trong hoạt động cho vay. Việc kiểm soát rủi ro của ngân hàng thực hiện trên Basel II. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) tại Techcombank đang cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

Và hai là, cần thêm những sự hỗ trợ từ Chính phủ để bảo vệ thị trường nội địa, thúc đẩy, khuyến khích ngành cơ khí chế tạo có thể xuất khẩu được.

Techcombank định hướng ưu tiên nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và mở rộng phát triển thêm trong lĩnh vực FMCG, ô tô, viễn thông, du lịch… Ông đánh giá như thế nào về định hướng phát triển trên, thưa chuyên gia?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Với định hướng trên, tôi cho rằng, Techcombank muốn trở thành ngân hàng số 1 về công nghiệp và dịch vụ. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng hiện đại, là công nghiệp hóa, dịch vụ hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, khi lựa chọn một đối tượng phục vụ như vậy, Techcombank cũng phải nghiên cứu kỹ các khía cạnh về kinh tế vĩ mô, về chính sách. Cũng phải hỗ trợ, đầu tư cho các cơ quan nghiên cứu của mình tìm hiểu, phân tích về mức độ cạnh tranh của những lĩnh vực đó trên thị trường quốc tế và nội địa, với mục tiêu xuất khẩu được các sản phẩm ra bên ngoài.

Techcombank có thể tăng cường hỗ trợ cho các tập đoàn công nghiệp thực hiện những nghiên cứu toàn diện cả vĩ mô và vi mô, cả nội địa và xuất khẩu, giúp cho các tập đoàn đó có đường hướng phát triển rõ ràng, cũng là cách giúp ngân hàng quản trị rủi ro trong trung hạn và dài hạn tốt hơn. Bởi những lĩnh vực Techcombank đang tập trung cho vay thường là đầu tư trung và dài hạn.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Techcombank là ngân hàng hàng đầu, đủ khả năng dẫn dắt những “cuộc chơi” lớn - Ảnh 3.

Tại Đại hội cổ đông, lãnh đạo Techcombank khẳng định tiếp tục tập trung phát triển, kiểm soát tốt rủi ro tại một trong những lĩnh vực ưu tiên về bất động sản nhà ở. Điều này có "ngược gió", vào thời điểm thị trường bất động sản được cho là đang gặp khó, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Tại sao không thể tự tin? Nhiều nhà quản trị ngân hàng nói với tôi rằng, ngân hàng không cho vay bất động sản thì cho vay cái gì? Bất động sản là lĩnh vực có cơ hội lớn và dài hạn. Một nghiên cứu cho thấy, độ mở của nền kinh tế Việt Nam là rất cao, thuộc nhóm hàng đầu trên thế giới. Hiện tại, có thể phân ra hai phân khúc có xu hướng phát triển tương đối nhanh, đó là bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp. Về lâu dài, có một phân khúc khác sẽ phát triển khá nhanh, đó là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng – mỏ vàng tiềm năng rất lớn của Việt Nam – sẽ được phát huy khi đi sâu vào kinh tế dịch vụ và thu hút khách quốc tế.

Các lĩnh vực trên đều cần đến những nhà tài trợ cho vay, đó là những ngân hàng lớn và có tầm nhìn như Techcombank. Bởi, thị trường còn gặp quá nhiều khó khăn, nhất là khi nhà đầu tư thiếu vốn, vướng các thủ tục về đầu tư, đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Nếu không có những nhà tài trợ trong trung và dài hạn, làm xong thủ tục trong vài ba năm, doanh nghiệp có thể hết vốn để phát triển.

Hay như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, vừa đầu tư, vừa phải chờ đợi cơ hội từ khách hàng và việc tháo gỡ pháp lý cho thị trường. Đây cũng là lĩnh vực tài trợ an toàn về phương diện tài sản, an toàn khi thị trường được bảo hộ. Nhưng, sẽ gặp phải rủi ro khi an ninh không được đảm bảo, và đòi hỏi lượng vốn trung và dài hạn rất lớn.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Techcombank là ngân hàng hàng đầu, đủ khả năng dẫn dắt những “cuộc chơi” lớn - Ảnh 4.

Đúng như ông phân tích, nhiều cổ đông của Techcombank còn lo ngại thị trường này sẽ rơi vào trạng thái đóng băng?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Thị trường bất động sản đóng băng, hay bong bóng là vấn đề của kinh tế vĩ mô, là vấn đề cần giải quyết của Chính phủ, có liên quan đến chu kỳ kinh tế, thậm chí có những rủi ro không thể dự đoán trước, ví dụ như Covid-19.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cho vay nhà ở chiếm một tỷ trọng rất lớn trong hoạt động cho vay của ngân hàng. Ở Châu Âu, tỷ lệ này là 20%, ở Mỹ là 30%... Danh mục bất động sản nhà ở của Techcombank tương đối lớn, song đều là cho vay theo chuỗi để hướng tới doanh nghiệp nhỏ vừa và người mua nhà. Ngoài ra, danh mục này nhưng so với các tổ chức tín dụng khác lại không quá cao, và đáp ứng các chỉ số an toàn. Hoạt động cho vay lĩnh vực bất động sản cũng được phân định rõ ràng về cho vay, đâu là cho vay kinh doanh đầu tư, đâu là cho vay để mua nhà. Như với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản đều được ngân hàng áp dụng hệ số rủi ro 200 - 250%, từ đó tác động tới các chỉ số an toàn vốn. Hiện hệ số an toàn vốn (CAR) của Techcombank lên tới 16%, cao nhất hệ thống.

Tóm lại, sự lựa chọn của Techcombank vẫn là đặt niềm tin vào các doanh nghiệp lớn và cho vay theo chuỗi giá trị, gồm các doanh nghiệp vừa, nhỏ và người mua nhà để ở. Đó là sự lựa chọn những lĩnh vực đòi hỏi vốn trung và dài hạn rất lớn. Do đó, câu hỏi đặt ra cho Techcombank là làm thế nào để có được nguồn vốn trung và dài hạn?

Thực tế, Techcombank đang phát huy khá tốt các lĩnh vực tư vấn tài chính khác, để tạo ra một dòng tiền dương mạnh, ví dụ thông qua hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu, tài trợ thương mại, tăng vốn cấp hai…

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế

Link nguồn: http://s.cafef.vn/tcb-372289/tien-si-le-xuan-nghia-techcombank-la-ngan-hang-hang-dau-du-kha-nang-dan-dat-nhung-cuoc-choi-lon.chn