Tăng 2,5 lần ca mắc tay chân miệng so với cùng kỳ năm 2023

Theo thống kê, tính đến nay cả nước ghi nhận hơn 13.000 ca mắc tay chân miệng, hiện chưa có trường hợp nào tử vong.

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ (Ảnh: internet)

Thống kê chi tiết số ca mắc tay chân miệng cho thấy, hiện cả nước ghi nhận 13.746 ca mắc tay chân miệng, so với cùng kỳ 2023 số mắc tay chân miệng tăng 2,5 lần.

Số liệu này tăng hơn 3.000 ca so với số liệu Bộ Y tế đã công bố trong cuộc họp phòng chống dịch trực tuyến toàn quốc diễn ra vào ngày 10/4.

Tại Thủ đô Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cảnh báo số mắc tay chân miệng bước vào đỉnh dịch lần 1, tuần cao nhất ghi nhận gần 200 ca mắc, dự báo thời gian tới sẽ còn gia tăng. Từ ngày 12 - 19/4, Hà Nội ghi nhận 195 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 34 trường hợp so với tuần trước.

Tại TP. Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính từ ngày 8 - 14/4 có 287 ca mắc tay chân miệng, tăng 87% so với trung bình 1 tháng trước. Tuy nhiên, số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh.

Tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi bệnh này lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non, nhưng công tác tác phối hợp, giám sát phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục mầm non lại chưa hiệu quả...

Giới chuyên gia lưu ý, có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Những dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng như: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình nhiều (>= 2 lần trong 30 phút); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè….

Để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần đưa con đi tiêm chủng đầy đủ các bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm như sởi, ho gà, bạch hầu.

Thực hiện vệ sinh làm sạch môi trường các vật dụng dễ bị ô nhiễm, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường; theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và người mắc bệnh.

Đồng thời, do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị.

PV (t/h)