Giá vàng thế giới được đẩy cao hơn do lợi suất trái phiếu giảm, nhu cầu trú ẩn an toàn được đề cao trong bối cảnh lo ngại rủi ro suy thoái ngày càng lớn. (Nguồn: Bloomberg) |
Giá vàng hôm nay 3/8
Giá vàng thế giới tăng nhờ lợi suất trái phiếu Mỹ giảm và lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng, bất chấp đồng USD phục hồi. Điều này có thể hỗ trợ thị trường tiếp tục tăng trong phiên sáng nay?
Rạng sáng ngày 3/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới niêm yết trên sàn Kitco tại 1.762,2 USD/ounce, giảm 10,3 USD so với phiên giao dịch liền trước, sau khi vừa tăng mạnh trong phiên đầu ngày, ghi nhận của TG&VN. Giá vàng kỳ hạn tháng 10 tăng 13,10 USD ở mức 1.790,70 USD/ounce.
Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc được dự đoán sẽ gia tăng, sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan (Trung Quốc) vào tối qua (2/8). Thị trường chứng khoán toàn cầu hầu hết giảm qua đêm. Các chỉ số chứng khoán của Mỹ hướng về việc mở cửa yếu hơn khi phiên giao dịch trong ngày bắt đầu.
Các thị trường quan trọng bên ngoài hôm nay cho thấy giá dầu thô của Nymex gần ổn định và giao dịch quanh mức 93,75 USD/thùng. Các nhà giao dịch đang chờ đợi cuộc họp của OPEC vào hôm nay (3/8). Chỉ số USDX cao hơn một chút trong giao dịch đầu giờ, tăng 0,2%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã xuống thấp nhất 4 tháng, đạt 2,56%, nhờ đó làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Vàng được hưởng lợi từ dữ liệu kinh tế không mấy lạc quan thời gian gần đây, với kết quả khảo sát hôm đầu tuần cho thấy các nhà máy trên khắp Mỹ, châu Âu và châu Á đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm động lực vào tháng trước.
Giá vàng trong nước duy trì khoảng cách với thế giới
Giá vàng SJC tăng vọt trên thị trường thế giới, khiến độ chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế tiếp tục duy trì khá xá, khoảng 18 triệu đồng/lượng. Có 2 nguyên nhận được đưa ra, thứ nhất, thị trường vàng trong nước không liên thông với thế giới. Thứ hai, giá vàng trong nước bị tác động bởi tâm lý của nhà đầu tư, cộng thêm yếu tố phòng thủ của các công ty kinh doanh.
Vấn đề phát sinh từ Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012, với một số điểm không còn phù hợp, tạo ra một số điểm bất hợp lý trên thị trường vàng trong nước, nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường nhiều, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với thế giới. Từ năm 2014 tới nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường.
Theo thông tin từ Công ty SJC, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, có thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất vàng nhẫn và nữ trang. Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít, tạo khan hiếm.
Cuối phiên giao dịch ngày hôm qua (2/8), giá vàng SJC quay đầu giảm nhẹ khoảng 10.000 - 50.000 đồng/lượng sau khi tăng khá mạnh ở phiên đầu phiên. Điều chỉnh mạnh nhất, Tập đoàn Doji điều chỉnh giảm 50.000 đồng/lượng đồng/lượng theo cả hai chiều mua và bán. Có mức giảm nhẹ hơn, giá vàng miếng SJC ở Bảo Tín Minh Châu chỉ điều chỉnh 10.000 đồng/lượng chiều mua vào và bán ra đối với vàng SJC.
Riêng tại Công ty VBĐQ Sài Gòn, Tập đoàn Phú Quý và hệ thống PNJ, giá vàng SJC vẫn giữ nguyên so với giá mở cửa đầu giờ giao dịch.
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên cuối ngày hôm qua (ngày 2/8):
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 67,40 – 68,42 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 67,35 – 68,35 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 67,40 – 68,40 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 67,40 – 68,40 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 67,41 – 68,38 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,25 – 53,35 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 52,79 – 53,54 triệu đồng/lượng.
Dự báo giá vàng: Nguồn cung quyết định thị trường tăng dài hạn
Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích của UBS, cho rằng, những đợt tăng lãi suất tới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lạm phát hạ nhiệt sẽ gây áp lực lên giá vàng trong 6 tháng tới. Giới đầu tư cũng đang theo dõi sát các chỉ số kinh tế vĩ mô, sau khi chủ tịch Fed cho biết các quyết định về chính sách trong tương lai sẽ được xác định dựa trên dữ liệu kinh tế thời gian tới.
Ngoài ra, theo Erik Norland, Giám đốc điều hành và nhà kinh tế cấp cao tại CME Group, các nhà đầu tư cũng nên chú ý đến nguồn cung của thị trường. Trong báo cáo được công bố đầu tuần này, chuyên gia Erik Norland cho rằng, nguồn cung vàng và bạc giảm sẽ hỗ trợ lâu dài cho giá khi nhu cầu thị trường vẫn mạnh mẽ. Ông lưu ý, từ năm 2016 đến năm 2021, sản lượng khai thác vàng đã giảm 7%.
Nguồn cung mới giảm có thể là một phần lý do tại sao giá kim loại quý tăng trong 5 năm qua. Mặc dù nhu cầu đầu tư có thể thúc đẩy biến động giá trong ngắn hạn, nhưng chuyên gia Norland cho biết, nó không đủ để hỗ trợ các thị trường tăng giá dài hạn.
“Sự biến động của giá vàng thường chỉ do các yếu tố từ phía cầu. Tuy nhiên, các yếu tố bên cầu và bên cung kết hợp để tạo ra thị trường tăng và giảm kéo dài hàng thập kỷ và không bên nào của phương trình cung - cầu chịu trách nhiệm duy nhất cho sự biến động giá của vàng", chuyên gia Erik Norland nói.
Về mặt kỹ thuật, giá vàng kỳ hạn tháng 10 giảm có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Tuy nhiên, xu hướng giảm giá trên biểu đồ thanh hàng ngày đã bị phủ nhận và giá vào thứ Sáu tuần trước đã tăng, chứng kiến mức cao hàng tuần, đây là một trong những dấu hiệu cho thấy đáy thị trường.
Mục tiêu tăng giá tiếp theo của xu hướng tăng là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc 1.800 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo của xu hướng giảm là đẩy giá tương lai xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật ở mức thấp nhất trong tháng 7 là 1.686,3 USD. Mức kháng cự đầu tiên được nhìn thấy là 1.800 USD và sau đó là 1.820 USD. Mức hỗ trợ đầu tiên được nhìn thấy ở mức thấp nhất qua đêm là 1.775,3 USD và sau đó là mức thấp nhất của tuần này là 1.764,1 USD.