239 trong tổng số 241 (99,2%) các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận đã được thực hiện toàn bộ hoặc một phần. Đây là thông tin đã được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định tại Phiên đối thoại bảo vệ Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kì IV, ngày 7/5 tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (LHQ) ở Geneva, Thụy Sỹ.
Ngay từ khi cơ chế UPR ra đời - năm 2008, Việt Nam đã chủ động tham gia vào tiến trình này với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm. Xuất phát từ chính sách nhất quán về bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, đặt con người ở vị trí trung tâm của mọi chính sách phát triển, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ xây dựng báo cáo quốc gia theo đúng hạn định cũng như thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận ở tất cả các chu kỳ UPR.
Trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam càng dành sự chú trọng đặc biệt đối với tiến trình UPR.
Để triển khai hiệu quả các khuyến nghị đã được chấp thuận trong chu kỳ III, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch tổng thể với phân công cụ thể cho các cơ quan liên quan cũng như cơ chế rà soát tiến độ, và đánh giá kết quả. Báo cáo quốc gia của Việt Nam chu kỳ IV được xây dựng một cách toàn diện với sự tham gia đóng góp tích cực của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác phát triển và người dân, theo đúng nguyên tắc “đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan và minh bạch” của tiến trình UPR.
Việc hoàn thành Báo cáo theo đúng yêu cầu của Hội đồng Nhân quyền, cùng việc xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện đã thể hiện nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành liên quan của Việt Nam và tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của Việt Nam đối với cơ chế UPR.
Trong 241 khuyến nghị đã chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị (chiếm 86,7%), thực hiện một phần 30 khuyến nghị (12,4%), chỉ có hai khuyến nghị đang được xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp.
Từ năm 2019 đến hết tháng 11/2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 45luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam đã nỗ lực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trên tất cả các lĩnh vực. Kể từ năm 2019, GDP trên đầu người đã tăng 25%, tỷ lệ hộ dân nghèo giảm 1,5% mỗi năm.
Trên thực tế, những thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, đặc biệt là trong gần 40 năm Đổi mới đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong giai đoạn từ 1989 tới 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Trong vòng 2 thập kỷ kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Và trong vòng 15 năm kể từ năm 2005, tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa. Các quyền tự do báo chí, tự do Internet, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do lập hội… cũng được thực thi nghiêm túc.
Việc Việt Nam hai lần được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu chọn làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực của Việt Nam.
Năm 2022, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã phát biểu, những kết quả đó là “minh chứng rõ nét cho sự quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam, và cho các chính sách lấy người dân làm trung tâm của phát triển.
Việc đánh giá về một vấn đề luôn có những ý kiến trái chiều. Đối với tình hình nhân quyền Việt Nam, thường xuyên có những cá nhân, tổ chức đưa ra thông tin thiếu khách quan, sai lệch, thậm chí xuyên tạc bởi bản chất cực đoan, chống phá, hận thù đối với Việt Nam. Những nguồn thông tin này lại được một số cơ quan, tổ chức khác sử dụng mà không có sự kiểm chứng kỹ càng.
Thực tế không có một quốc gia nào là hoàn hảo về vấn đề nhân quyền. Với tinh thần cởi mở, cầu thị, Việt Nam xác định rõ vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: vẫn còn 800.000 hộ nghèo, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng miền và nhóm dân cư vẫn tồn tại, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao, vẫn còn tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực để bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho mọi người dân còn hạn chế…
Đoàn Việt Nam đến với Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế UPR chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva, Thuỵ Sỹ ngày 7/5 với tinh thần cởi mở, cầu thị và sẵn sàng đối thoại.
Tại Phiên đối thoại, có hơn 130 nước tham gia đối thoại và phát biểu trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất. Các nước ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, việc Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Nhiều nước hoan nghênh các thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người, thúc đẩy quyền phụ nữ, quyền của nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới, quyền của người dân tộc thiểu số.
Tháng 4/2024, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna do Việt Nam đề xuất. Sáng kiến này đã góp phần nâng cao nhận thức, quyết tâm hành động của cộng đồng quốc tế trong thực hiện các mục tiêu, tôn chỉ về quyền con người.
Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ hiện tại (2023-2025), trên cương vị thành viên Hội đồng nhân quyền, Việt Nam đã có 6 sáng kiến nổi bật tại 3 Khóa họp thường kỳ.
Lần thứ hai đảm nhận cương vị thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tích cực tham gia sâu và trách nhiệm hơn vào công việc chung tại Hội đồng trên tinh thần: “Tôn trọng và Hiểu biết; Đối thoại và Hợp tác; Tất cả các quyền; Cho tất cả mọi người”. Đây cũng là minh chứng về nỗ lực của Việt Nam trong thực thi quyền con người.
Đồng thời, Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề trọng tâm của Liên Hợp Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế, như thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang trên phạm vi toàn thế giới.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt: “Phương châm quan trọng Việt Nam đề ra từ khi vận động cho đến khi tham gia đó là thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, bảo đảm sự thực hiện và thúc đẩy quyền con người một cách toàn diện nhất. Với mục tiêu là không để ai bị bỏ rơi lại phía sau trong quá trình phát triển”.
Không chỉ đề xuất sáng kiến, Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực trong thực thi các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền theo cơ chế rà soát định kỳ UPR. Trong số 241 khuyến nghị chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị, thực hiện một phần 30 khuyến nghị.
Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia Phiên Đối thoại về Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 7/5/2024 vừa qua, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, phiên đối thoại đã thu hút sự quan tâm cao, với 133 nước đăng ký phát biểu và đưa ra 320 khuyến nghị cho Việt Nam. Qua rà soát sơ bộ, phần lớn các khuyến nghị Việt Nam nhận được lần này có nội dung tích cực, ta có thể chấp thuận. Có một số khuyến nghị ta cần cân nhắc thêm về tính phù hợp với luật pháp, chính sách, nguồn lực và khả năng thực thi.
Đảng và Nhà nước Việt Nam có chính sách nhất quan trong việc bảo đảm quyền con người. Việt Nam sẵn sàng đối thoại cởi mở, thẳng thắn, hợp tác, xây dựng với tất cả các nước, kể cả về những điểm còn khác biệt, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm tốt trong việc bảo đảm quyền con người.
Cách tiếp cận với vấn đề nhân quyền tại mỗi quốc gia luôn có sự khác nhau, do đó, quan trọng nhất là đối thoại để giảm đi sự khác biệt và tìm sự tương đồng để cùng thúc đẩy bảo vệ quyền con người. Thông qua đối thoại, Việt Nam sẽ hiểu hơn về nhân quyền của các nước, đồng thời, các nước sẽ hiểu rõ về thành tựu nhân quyền của Việt Nam.
Bên cạnh đối thoại, Việt Nam cũng đón và tạo điều kiện để các đoàn quốc tế đi thực tế, chứng kiến những thành tựu nhân quyền trong nước. Đặc biệt, đã có những chuyến thực tế trong những lĩnh vực nhạy cảm như tôn giáo. Qua đó, một lần nữa bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ nhân quyền.
Tại phiên Đối thoại về Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ngày 7/5 vừa qua, nhiều nước đánh giá cao phần trình bày, đối thoại của Việt Nam, ghi nhận chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận kể từ lần rà soát trước đến nay. Các nội dung được nhiều nước hoan nghênh, đánh giá cao là việc ta hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người, nhất là xây dựng các chương trình quốc gia và đạt nhiều thành tựu về giảm nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện phúc lợi xã hội, bảo đảm quyền giáo dục, quyền các nhóm dễ bị tổn thương, thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người và hợp tác với các cơ chế nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Cũng có một vài nước bình luận, đưa ra các khuyến nghị chưa thật sự phù hợp, dựa trên các thông tin không chính xác về việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp…
“Chúng ta sẽ tiếp tục đối thoại, cung cấp thông tin để các nước hiểu rõ hơn về tình hình thực tế ở Việt Nam. Qua các chu kỳ UPR, Việt Nam luôn được đánh giá tốt về nỗ lực triển khai nghiêm túc các khuyến nghị đã chấp thuận, nhất là thông qua việc xây dựng các kế hoạch quốc gia, các báo cáo giữa kỳ, quá trình tham vấn, lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Các nước cũng đánh giá tích cực tinh thần đối thoại chân thành, thẳng thắn và cởi mở của đoàn Việt Nam”, Thứ trưởng Hùng Việt nói.
Để tiếp nối những đóng góp và cam kết trong thúc đẩy và đảm bảo quyền con người, tại phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (tháng 2/2024), Việt Nam thông báo sẽ tái ứng cử cho nhiệm kỳ 2026-2028. Việt Nam khẳng định các ưu tiên khi tham gia Hội đồng Nhân quyền, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người.
Dự kiến tại Khóa 56 tháng 6/2024, Việt Nam sẽ đề xuất nghị quyết hàng năm về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
PV (t/h)