Chuyên gia: Một Việt Nam tự tin và quyết đoán trên trường quốc tế

Chia sẻ với phóng viên TG&VN, GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam khẳng định, APEC cung cấp cho các thành viên từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương một nền tảng để đối thoại. Cơ hội này cần được tận dụng và Việt Nam nên trở thành động lực cho sự phát triển đa phương này.
GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện FNF tại Việt Nam.
GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện FNF tại Việt Nam. (Nguồn: FNF)

APEC đã khẳng định được vị thế và vai trò đầu tàu của khu vực trong tiến trình thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực sâu rộng. Ông đánh giá thế nào về vai trò của APEC trong nền kinh tế thế giới hiện nay?

Tại thế kỷ XX, các trung tâm quyền lực nằm ở Mỹ và châu Âu, hay còn được gọi là “Thế kỷ Đại Tây Dương”. Bước sang thế kỷ XXI, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi to lớn về trọng tâm kinh tế và chính trị. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và các nước châu Á khác, cùng với tầm quan trọng liên tục của Mỹ, đã biến thế kỷ hiện tại thành “Thế kỷ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

APEC đã phản ánh xu hướng này. Diễn đàn được thành lập vào năm 1989, nhằm tận dụng sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 21 thành viên APEC đặt mục tiêu tạo ra sự thịnh vượng hơn cho người dân trong khu vực bằng cách thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, toàn diện, bền vững, đổi mới và an toàn, đồng thời, đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực.

Đây là diễn đàn quy tụ các cường quốc lớn như Mỹ, Trung Quốc cùng nhiều nước vừa và nhỏ trong khu vực nhằm tạo sự trao đổi giữa hai bên. Không thể nghi ngờ tầm quan trọng của một diễn đàn như vậy, đặc biệt là trong thời đại kết nối chuỗi giá trị toàn cầu và căng thẳng gia tăng.

Hiện tại, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc gặp sắp tới của lãnh đạo các nền kinh tế tại San Francisco (Mỹ) từ ngày 11-17/11. Nhiều khả năng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề Diễn đàn. Vào thời điểm mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bị gián đoạn nghiêm trọng, Diễn đàn sắp tới sẽ mở ra một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và giúp hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xác định các mục tiêu chung.

Theo ông, đâu là những điểm mới và nổi bật trong hợp tác APEC?

Ngoài việc tạo ra một diễn đàn đối thoại nhằm giảm căng thẳng và thúc đẩy hợp tác nói trên, cần phải đề cập nhiều sáng kiến khác nhau trong APEC. APEC vốn có lịch sử lâu dài, khơi nguồn các nỗ lực cải cách cơ cấu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những nỗ lực này đã được thực hiện trong gần hai thập kỷ.

Đơn cử như Chương trình nghị sự mở rộng của APEC về cải cách cơ cấu (EAASR). Chương trình phản ánh cam kết nổi bật của APEC đối với cải cách cơ cấu. Sáng kiến này cũng đóng vai trò là mục tiêu cụ thể, trung hạn của Ủy ban Kinh tế APEC nhằm thực hiện Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040 và Kế hoạch hành động Aotearoa.

Theo tôi, các trụ cột mà EAASR đang tập trung vào đều rất phù hợp với sự phát triển của Việt Nam. Cụ thể như: Tạo môi trường thuận lợi cho sự công khai, minh bạch và cạnh tranh thị trường; Tăng cường phục hồi kinh doanh và khả năng phục hồi trước những cú sốc trong tương lai; Đảm bảo rằng tất cả các nhóm trong xã hội đều có quyền tiếp cận cơ hội như nhau đối với tăng trưởng toàn diện hơn, bền vững hơn và phúc lợi tốt hơn; Khai thác sự đổi mới, công nghệ mới và phát triển kỹ năng để tăng năng suất và số hóa.

Việc tham gia vào các sáng kiến này và trao đổi ý tưởng với các nước khác giúp Việt Nam xác định được các phương pháp tiếp cận thực tiễn tốt nhất, củng cố lập trường của mình và thúc đẩy mạnh mẽ cải cách. Đất nước các bạn rất tự tin và quyết đoán trên trường quốc tế, vì vậy, theo tôi, việc tập trung vào hiệu quả quảng bá “thương hiệu” là rất quan trọng.

Việt Nam tìm cách đa dạng hóa mối quan hệ thương mại và kinh doanh, từ đó, mang lại khả năng phục hồi cao, có thể bù đắp cho sự mất mát của một số quốc gia đối tác.
Việt Nam tìm cách đa dạng hóa mối quan hệ thương mại và kinh doanh, từ đó, mang lại khả năng phục hồi cao, có thể bù đắp cho sự mất mát của một số quốc gia đối tác. (Nguồn: TTXVN)

APEC góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Là thành viên APEC, Việt Nam có vai trò, tiếng nói bình đẳng với nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới trong việc xây dựng, định hình các luật lệ, quy tắc về kinh tế, thương mại khu vực. Kinh tế Việt Nam “gặt hái” được những lợi ích gì từ cơ chế hợp tác này, thưa ông?

Việt Nam được hưởng lợi nhiều từ hợp tác với các đối tác APEC. Một mặt, đất nước hình chữ S có thể đại diện cho các lợi ích kinh tế, chính trị trên nhiều nền tảng và diễn đàn khác nhau. Mặt khác, lợi ích đến từ việc ươm mầm các ý tưởng. Việt Nam góp phần không ngừng nâng cao vai trò của APEC với tư cách là một tổ chức quản trị tốt và có sự tham gia của các bên liên quan.

Tầm nhìn Putrajaya 2040 của APEC nhằm mục đích thông qua quan hệ đối tác bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung và cùng có lợi trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả phát triển kinh tế. Việt Nam cũng đã cam kết với Tuyên bố Putrajaya 2040, bao gồm ba yếu tố chính.

Thứ nhất, tạo ra một hệ thống thương mại đa phương hoạt động tốt, thúc đẩy sự ổn định và khả năng dự đoán trong dòng chảy thương mại quốc tế.

Thứ hai, đổi mới và số hóa bằng cách tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số; đẩy nhanh chuyển đổi kỹ thuật số; thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số; hợp tác để tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu và tăng cường niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp đối với các giao dịch kỹ thuật số.

Thứ ba, tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và toàn diện bằng cách thúc đẩy các chính sách kinh tế, hợp tác, tăng trưởng nhằm hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết toàn diện mọi thách thức môi trường bao gồm biến đổi khí hậu, điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như thiên tai ở mức độ bền vững.

Bằng cách hợp tác về các chủ đề này với các đối tác trong APEC, nền kinh tế Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích cho sự phát triển của chính mình.

Việt Nam nên tận dụng cơ hội kinh tế từ APEC như thế nào trong bối cảnh thế giới với nhiều biến động?

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Việt Nam có thể hưởng lợi từ tư cách thành viên APEC bằng cách sử dụng diễn đàn này để đóng vai trò trung gian hòa giải.

Về chính sách kinh tế, nền kinh tế thị trường của Việt Nam có độ mở lớn. Cam kết áp dụng các quy tắc của luật pháp quốc tế và cam kết thương mại tự do là con đường đúng đắn dẫn đến hội nhập quốc tế và thịnh vượng. Việt Nam đã tìm cách đa dạng hóa mối quan hệ thương mại và kinh doanh, mang lại cho tất cả các đối tác những cơ hội bình đẳng.

Sự đa dạng hóa này mang lại khả năng phục hồi cao, có thể bù đắp cho sự mất mát của một số quốc gia đối tác (ví dụ như hợp tác thương mại với Trung Quốc trong thời kỳ Covid-19). Đồng thời, chính sách bình đẳng hóa kinh tế của Việt Nam sẽ thúc đẩy sự tiếp xúc, trao đổi giữa người dân. Theo tôi, trong vấn đề này, Việt Nam có thể đóng vai trò là hình mẫu.

APEC cung cấp cho các thành viên từ khu vực có nền kinh tế hứa hẹn nhất thế giới trong thế kỷ XXI một nền tảng để đối thoại. Cơ hội này cần được tận dụng và Việt Nam nên trở thành động lực cho sự phát triển đa phương này.

Như nhà kinh tế học Ludwig von Mises đã nói: “Xã hội hiện đại, dựa trên sự phân công lao động, chỉ có thể được bảo tồn trong điều kiện hòa bình lâu dài”. Lợi ích hoà bình mà APEC và các nước khác đang ủng hộ chính là lợi thế lớn nhất đối với Việt Nam!