VNDIRECT: Kinh tế sẽ phục hồi mạnh nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt

Khối Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT vừa phát hành Báo cáo Chiến lược Đầu tư 2021, trong đó chủ đề Triển vọng kinh tế Việt Nam dự báo kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, có thể lên tới 7,1% sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và đẩy lùi nhờ vaccine.

Tự tin tiến bước vào năm 2021

Báo cáo của VNDIRECT kỳ vọng nền kinh tế thế giới sẽ có sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU, giúp hàn gắn lại chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị phá hủy một phần do tác động của COVID-19, cũng như giúp gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nối lại các chuyến bay quốc tế với mục đích thương mại sẽ thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch, một trong hai động lực tăng trưởng chính của ngành dịch vụ Việt Nam trong năm 2021, bên cạnh sự phục hồi của tiêu dùng nội địa.

Báo cáo cũng kỳ vọng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng mạnh trong năm 2021 do Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát thấp trong năm tới và vốn đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi trong năm 2021 nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.

VNDIRECT dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 tăng 7,1% so với cùng kỳ, trong đó ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,1% so với cùng kỳ, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,8% so với cùng kỳ và ngành dịch vụ tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Báo cáo cùng kỳ vọng vào sự phục hồi bền vững của ngành công nghiệp và xây dựng và đưa ra mức dự phóng tăng trưởng 8,8% so với cùng kỳ trong năm 2021. Lý do là việc mở cửa các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm như máy tính, điện thoại, máy móc và thiết bị.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kích hoạt làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia mới nổi khác. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang nổi lên là một trong những lựa chọn thay thế lý tưởng một phần nhờ vị trí thuận lợi. Hơn thế nữa, trong 11 tháng đối phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chứng minh cho cả thế giới thấy được năng lực đối phó với khủng hoảng và các sự kiện bất ngờ (black wan) một cách ấn tượng khi vừa ngăn chặn đà lây lan của đại dịch, vừa đảm bảo sức khỏe của người dân và đồng thời duy trì được chuỗi sản xuất hoạt động liên tục.

Báo cáo cũng kỳ vọng lĩnh vực xây dựng sẽ tăng trưởng với tốc độ cao hơn trong năm 2021 do Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân các khoản đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với đại dịch COVID-19 và các công ty tư nhân dự kiến ​​sẽ tham gia nhiều hơn vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như đoạn phía đông đường cao tốc Bắc Nam và sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn 1).

Ngành dịch vụ có thể sẽ tăng 7,1% so với cùng kỳ trong năm 2021 chủ yếu nhờ tiêu dùng trong nước phục hồi. Cụ thể, tiêu dùng sẽ phục hồi trở lại về mức tăng trước đại dịch với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 8,5 - 9% so với cùng kỳ trong năm 2021 nhờ các yếu tố như: tăng trưởng thu nhập cải thiện trong năm 2021 nhờ duy trì tăng trưởng GDP danh nghĩa và lạm phát thấp; sự trở lại của ngành du lịch sau khi các chuyến bay quốc tế được cấp phép khai thác cho mục đích thương mại trở lại tính từ cuối quý I/2021, dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ của các dịch vụ du lịch, lưu trú và ăn uống…

Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng nhẹ 5% đạt 277,5 tỷ USD. Nhìn chung, VNDIRECT dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong năm 2021, khoảng 12% so với cùng kỳ.

Áp lực lạm phát có thể giảm, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn

Báo cáo kỳ vọng áp lực lạm phát sẽ giảm nhẹ trong năm 2021 do giá thịt lợn hơi có thể tiếp tục giảm sau khi quy mô đàn lợn trong nước đã phục hồi về mức trước dịch tả lợn châu Phi vào quý III/2020 và vắc xin ASF dự kiến sẽ được sản xuất và bán ra thị trường từ quý III/2021. Việc giá thịt lợn hơi hạ nhiệt sẽ làm giảm chỉ số nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm. Giá thịt lợn hơi sẽ giảm 19,8% so với cùng kỳ xuống mức trung bình 65.000 đồng/kg trong năm 2021.

Ở chiều ngược lại, về mặt rủi ro tăng giá, giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 50 USD/thùng trong năm 2021 (+14,2% so với cùng kỳ) do nền kinh tế toàn cầu phục hồi cũng như việc nối lại các đường bay thương mại quốc tế, từ đó làm tăng nhu cầu đối với dầu mỏ.

Ngoài ra, Nhà nước có thể tăng giá điện bán lẻ 5-8% trong nửa đầu năm 2021 nhưng rủi ro tăng giá có thể được bù đắp phần lớn nhờ CPI nhóm lương thực thực phẩm điều chỉnh giảm. Do đó, dự báo CPI bình quân chung năm 2021 tăng 2,9% so với cùng kỳ (so với dự phóng CPI bình quân chung năm 2020 tăng 3,2% so với cùng kỳ và mục tiêu CPI bình quân năm 2021 của Chính phủ đặt ra ở mức 4,0% so với cùng kỳ).

Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động, hỗ trợ nguồn lực cho DN phục hồi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết định giảm lãi suất điều hành 0,25-0,5 điểm % từ ngày 1/10/2020. Sau khi NHNN cắt giảm lãi suất, VNDIRECT kỳ vọng cả lãi suất huy động và cho vay do các ngân hàng thương mại đưa ra có thể giảm thêm 0,25-0,5 điểm % trong quý IV/2020, trong đó lãi suất huy động ngắn hạn có thể giảm nhiều hơn so với lãi suất dài hạn.

Nhu cầu tín dụng cải thiện nhẹ trong quý III/2020, với tín dụng tính đến ngày 30/9/2020 tăng 6,1% so với thời điểm đầu năm (cải thiện đáng kể từ mức tăng 3,3% hồi cuối tháng 6/2020). Cầu tín dụng sẽ tiếp tục phục hồi trong Quý 4/2020 và dự báo tín dụng cả năm sẽ tăng 9,0% so với thời điểm đầu năm.

Các chuyên gia làm báo cáo kỳ vọng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2021 trong bối cảnh áp lực lạm phát năm tới ở mức thấp. Mặc dù NHNN có thể sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành thêm nữa, nhưng NHNN cũng sẽ không nâng lãi suất lên trong năm 2021, một động thái nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Thay vào đó, NHNN có thể hỗ trợ thị trường tiền tệ thông qua thị trường mở, gia tăng dự trữ ngoại hối, nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại hoặc lùi thời hạn áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tài chính cao hơn đối với các ngân hàng thương mại. Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện lên mức 13% so với cùng kỳ trong năm 2021. Đồng thời, lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm 20-50 điểm % trong năm 2021 trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát hạ nhiệt.

Báo cáo nhận định, giá trị tiền USD sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2021 do Fed duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, việc đồng Nhân dân tệ (RMB) tăng mạnh trong các tháng gần đây sẽ làm giảm thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc. Tính đến ngày 30/11, đồng RMB đạt tăng trưởng 5,4% từ đầu năm so với đồng USD. Do nhận thấy nhiều rủi ro tăng giá đối với đồng VND, có thể VND sẽ dao động trong biên độ +/-0,5% so với đồng USD trong năm 2021.

Link nguồn: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/VNDIRECT-Kinh-te-se-phuc-hoi-manh-neu-dich-COVID19-duoc-kiem-soat-tot/417304.vgp