Thị trường vàng trầm lắng

Trong những tháng vừa qua, ngoại trừ thời điểm đầu năm và ngày vía Thần Tài là giao dịch trên thị trường vàng trong nước sôi động, các thời điểm khác đều khá trầm lắng.
vang-1618880559.jpg
Thị trường vàng thường sôi động vào thời điểm cuối năm và đầu năm. Trong ảnh: Người dân giao dịch vàng tại cửa hàng của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji. Ảnh: Quang Thái

Ghi nhận trên thị trường những ngày gần đây, số người đến giao dịch vàng khá thưa thớt, mặc dù thị trường vàng liên tục điều chỉnh lên xuống, có thời điểm biên độ mua bán dao động không hề hẹp. Lý giải tình trạng trên, bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cho rằng, thị trường vàng sôi động hay trầm lắng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhất là phụ thuộc vào nhu cầu từng đối tượng khách hàng vào mỗi thời điểm nhất định.

Thực tế cho thấy, giá vàng trong nước biến động mạnh trong thời điểm đầu năm. Cụ thể, tuần đầu tiên của tháng 1-2021, giá liên tục đi lên và ngày 6-1 chạm mức 57,25 triệu đồng - mức cao nhất hơn 3 tháng, tăng tới 1,1 triệu đồng/lượng so với thời điểm cuối năm 2020 bởi giá kim loại quý thế giới tăng mạnh lên sát 1.950 USD/ounce trong bối cảnh chỉ số đồng USD giảm và nhà đầu tư lo ngại về tình hình dịch Covid-19. Sau đó, giá vàng trở lại trên mốc 57 triệu đồng/lượng một lần nữa vào giữa tháng 2-2021. Tuy nhiên, từ thời điểm trên, giá bắt đầu đi xuống. Đặc biệt, tháng 3, giá liên tục giảm, trong đó vào cuối tháng giá mất mốc 55 triệu đồng/lượng. Tính chung trong quý I-2021 giá vàng giảm khoảng 1,3 triệu đồng/lượng. Những ngày từ đầu tháng 4 đến nay, giá dao động trên 55 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng trầm lắng là tín hiệu tốt cho toàn nền kinh tế bởi điều này cho thấy thị trường ổn định. Cũng cần phải nói thêm, kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Chính phủ chính thức có hiệu lực, chủ trương chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế được đánh giá là thành công, không còn xuất hiện tình trạng đầu cơ vàng, tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát tốt. Vì vậy, mặt hàng này ít được người dân và nhà đầu tư quan tâm hơn.

Dự báo về giá vàng từ nay đến cuối năm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh vắc xin ngừa Covid-19 được triển khai trên diện rộng, nếu dịch bệnh được khống chế và nhiều nền kinh tế thế giới hồi phục tốt, giá vàng có thể sẽ giảm, xuống dưới mức 1.700 USD/ounce, thậm chí xuống mức 1.600 USD/ounce. Trong khi đó, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, bà Nguyễn Thị Luyến nhìn nhận, năm 2021 khi thế giới đang dần kiểm soát được dịch bệnh, các nền kinh tế lớn dần dần hồi phục, các kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn sẽ có tác động không tốt lên giá vàng, tuy nhiên đó chỉ là trong ngắn hạn.

Còn chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đưa ra quan điểm, trong bối cảnh tình hình chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, giá vàng nhiều khả năng tăng và có thể lên trên mức 1.800 USD/ounce. Theo đó, giá vàng trong nước cũng sẽ tăng.

Về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ nay đến cuối năm tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai đồng bộ giải pháp quản lý ngoại hối góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng...