Phải giảm thêm lãi suất

TS Lê Đạt Chí (Giám đốc chương trình tài chính ứng dụng, ĐH Rennes - Pháp)
ngan-hang-tuan-qua-1686619108.jpeg
Ảnh: minh họa

Trong vòng gần 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 3 lần giảm các mức lãi suất điều hành. Lãi suất huy động giảm nhanh nhưng lãi suất cho vay vẫn còn duy trì ở mức khá cao. Dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành thời điểm này vẫn còn, nhất là nhìn ở góc độ lãi suất là công cụ thể kiểm soát lạm phát thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 5 tháng qua chỉ 3,5%, so với cùng kỳ khoảng 4,8%.

Những con số này cho thấy có thể có thêm dư địa giảm lãi suất, nhất là trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó khăn và cầu tín dụng không tăng cao, khi 5 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ trên 3%.

Có phải NHNN đang duy trì lãi suất cao nhằm phát đi tín hiệu kỳ vọng lạm phát những tháng cuối năm cao? Nhưng ở các nước, nhiều quốc gia đa phần có lãi suất thực âm nghĩa là lãi suất thấp hơn lạm phát và khi lạm phát giảm tạo cơ hội cho họ giảm lãi suất.

Trong khi Việt Nam lại có mức lãi suất thực dương rất lớn - nghĩa là lãi suất đang cao hơn rất nhiều, nghĩa là NHNN nhận định lạm phát cuối năm có thể tăng cao. Có điều, phân tích nguyên nhân sâu xa của lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam sẽ thấy do những yếu tố nội tại như giá điện nước, mùa nhập học sách giáo khoa, bút vở, văn phòng phẩm hay là dịch vụ mùa du lịch hè… Nếu vậy, chính sách tiền tệ sẽ có dư địa và cũng nên giảm lãi suất.

Giảm thêm lãi suất điều hành bằng cách nào? Theo tôi, cần tách 2 vấn đề giảm lãi suất thị trường và giảm lãi suất điều hành của NHNN. Giảm lãi suất điều hành đôi khi đi liền với mở rộng cung tiền của cơ quan quản lý nhưng giảm lãi suất thị trường có nhiều cách, đặc biệt là dùng công cụ thanh tra giám sát của NHNN đối với hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại trong việc phân biệt đối xử tín dụng, trong việc cho vay các đối tượng bị hạn chế, cho vay nhóm liên kết...

Thực tế, thời gian qua NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để tạo cơ hội giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng cá nhân và DN. Giảm lãi suất cho vay cũng là một trong những điều kiện để xem xét được cấp thêm hạn mức tín dụng. Nếu ngân hàng thương mại nào không giảm lãi suất có thể tăng cường thanh tra và phạt nặng các vi phạm đó ở cấp độ tuân thủ thông tư hướng dẫn nghị định của NHNN chứ chưa cần đến luật. Sau khi triệt để giải pháp trên thì mới tính đến giảm lãi suất điều hành, xem xét mở hạn mức (room) đối với các ngân hàng thương mại đạt tiêu chuẩn và tuân thủ luật pháp quy định.

Một vấn đề thị trường quan tâm gần đây là cầu tín dụng yếu trong bối cảnh DN thiếu đơn hàng, sức tiêu thụ trên thị trường kém. Nhưng khi lãi suất giảm, dòng vốn rẻ sẽ tự tìm đến nơi đầu tư bao gồm cả những DN có sức khỏe tốt, tài chính lành mạnh và có triển vọng hoạt động sản xuất - kinh doanh… Do đó, rất cần giảm thêm lãi suất để tiếp sức DN và nền kinh tế.

Thái Phương ghi