NHNN sẽ có chính sách tín dụng với từng nhà băng dựa trên kết quả giảm lãi suất

NHNN tăng cường giám sát việc thực hiện cam kết của toàn hệ thống ngân hàng thương mại và từng chi nhánh.
ngan-hang-nha-nuoc-1629337754.jpg

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành công văn số 5901/NHNN về việc yêu cầu hệ thống tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất và miễn phí dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên diện rộng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, đường lối, nhiều chỉ đạo tại Nghị quyết và các văn bản về việc hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do dịch gây ra.

Ngay từ tháng 7, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 1284/QĐNHNN ngày 28/7/2021 về Chương trình hành động của ngành Ngân hàng 6 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.

Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong văn bản 5901/NHNN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc ngân hàng thực hiện 3 nội dung cụ thể.

Thứ nhất, ngân hàng nhập cuộc cuộc cùng hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương để chung sức đẩy lùi dịch bệnh và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn thông qua giải pháp hỗ trợ hữu hiệu, thiết thực như giảm lãi suất, phí... theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay theo kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại Công văn 248/NHNN-PLVN ngày 16/7/2021 để giữ uy tín của mỗi ngân hàng cũng như toàn ngành nói chung trước người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Việc triển khai các chương trình giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ cần đảm bảo thực chất, hiệu quả, có kết quả cụ thể. Đồng thời, ngân hàng chủ động truyền thông trên các báo chí về các chính sách của mình, thông tin cho khách hàng cụ thể về chính sách giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ để khách hàng biết và tiếp cận chính sách hỗ trợ của ngân hàng.

Thứ ba, định kỳ hằng tháng (ngày cuối tháng), TCTD báo cáo kết quả triển khai thực hiện theo mẫu biểu đính kèm văn bản này về Ngân hàng Nhà nước thông qua Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đồng thời gửi Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để biết, phối hợp. Kỳ báo cáo đầu tiên gửi chậm nhất vào ngày 31/8.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ hằng tháng, đồng thời sẽ tăng cường công tác giám sát bằng nhiều biện pháp trực tiếp, gián tiếp việc thực hiện cam kết của toàn hệ thống ngân hàng thương mại và từng chi nhánh ngân hàng thương mại tại các tỉnh, thành phố.

Trên cơ sở kết quả giám sát việc thực hiện giảm lãi suất, phí này, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế một số nội dung trong hoạt động tín dụng của ngân hàng trong năm 2022.

Trước đó, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết đã có 16 TCTD thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế từ nay đến cuối năm với số tiền ước tính 20.500 tỷ đồng.

Riêng 4 ngân hàng gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết hỗ trợ giảm lãi suất cho các DN, người dân ở các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch bệnh và thực hiện Chỉ thị 16 khoảng 1.000 tỷ đồng. Các ngân hàng này cũng đã thực hiện miễn 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như TP HCM, Bình Dương…

TRÂM ANH

NĐH