Lợi nhuận sụt giảm mạnh, nợ xấu tăng vọt

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã TPB) đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với thu nhập lãi thuần của ngân hàng chỉ còn 2.729 tỷ đồng, giảm 10,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế mang về chỉ còn 1.293,2 tỷ đồng, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý 2 này, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của TPBank đã giảm 9,2% xuống chỉ còn 162,6 tỷ đồng. Ghi nhận lãi từ hoạt đông chứng khoán đầu tư cũng giảm gần một nửa, từ 460,1 tỷ đồng xuống chỉ còn 237,7 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng được giảm 43% xuống còn 368,1 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của TPBank đạt 5.465,9 tỷ đồng, giảm 6,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.383,4 tỷ đồng, giảm 10,7% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế liên tục tăng trưởng âm, TPBank còn đang phải đối mặt với một vấn đề khác, đó là tình trạng nợ xấu gia tăng mạnh tính bằng lần chỉ trong 6 tháng đầu năm.

Tính đến hết quý 2/2023, báo cáo phân tích chất lượng nợ vay của TPBank cho biết đơn vị đang có 166.985 tỷ đồng nợ tiêu chuẩn (nhóm 1). Nợ cần chú ý chiếm 6.215,5 tỷ đồng (nhóm 2), tăng gấp đôi so với đầu năm. Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) chiếm 2.146,9 tỷ đồng, tăng 5,6 lần, Nợ nghi ngờ (Nhóm 4) chiếm 1.129,9 tỷ đồng, tăng 2,4 lần. Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm 636 tỷ, tăng 25,8% so với đầu năm.

Có thể thấy rằng toàn bộ nợ xấu thuộc nhóm 3, 4, 5 của TPBank đều có xu hướng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Tổng nợ xấu của TPBank đạt 3.912,8 tỷ đồng, tăng gấp 2,9 lần so với thời điểm đầu năm. Đây là dấu hiệu cho thấy sự đi xuống trong chất lượng các khoản vay nợ mà TPBank đang quản lý.

Trong khi đó, dự phòng rủi ro nợ xấu của ngân hàng chỉ đạt 2.383 tỷ đồng. Tương ứng với đó là tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ đạt 60,9%. Con số này thời điểm đầu năm ở mức 135,03%. So sánh với nhiều ngân hàng top đầu hiện tại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu có thể gấp 2, thậm chí 3 lần.

Cần phải hiểu rằng tỷ lệ bao phủ nợ xấu là một chỉ báo cho thấy được sức đề kháng của ngân hàng trước những rủi ro của các khoản nợ xấu. Sụt giảm mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu cùng tình trạng nợ xấu tăng gấp gần 3 lần cho thấy rủi ro hiện hữu trong các khoản vay của TPBank.

TPBank đang cho vay mạnh ở lĩnh vực nào?

Cũng tại cuối quý 2, báo cáo phân tích dư nợ theo ngành nghề kinh tế của khách hàng cho thấy TPBank đang có xu hướng tăng cường cho vay rất mạnh đối với mảng kinh doanh bất động sản.

4 nhóm ngành dẫn đầu trong tổng dư nợ của TPBank bao gồm: Hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (98.295,9 tỷ đồng); công nghiệp chế biến chế tạo (14.151,3 tỷ đồng); hoạt động kinh doanh bất động sản (13.731 tỷ đồng); xây dựng (11.899,2 tỷ đồng).

Trong đó, riêng tổng dư nợ cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 13.731 tỷ đồng, tăng trưởng 35,1% so với thời điểm đầu năm. 3 nhóm ngành còn lại chỉ có mức tăng trưởng dư nợ từ 4,7% tới 19,3%.

Như vậy, có thể thấy rõ tình trạng tăng trưởng nợ xấu của TPBank đi kèm với sự gia tăng mạnh về dư nợ cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Trong khi mảng kinh doanh bất động sản lại đang gặp nhiều khó khăn thách thức trong nửa đầu năm 2023.

Theo báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý 2 của Bộ Xây dựng công bố ngày 2/8/2023, số doanh nghiệp bất động sản giải thể có xu hướng tăng mạnh. Lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng tới 30,4% so với cùng kỳ năm trước trong khi số lượng doanh nghiệp mới thành lập lại giảm 61,4%.

Công Minh