'Không ai đứng ngoài cuộc trong việc bảo vệ người tiêu dùng'

Đó là khẳng định của ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam trong cuộc trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Duy Trinh

Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về vai trò, quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay?

Toàn cầu hóa là xu thế của thời đại, có lẽ không đất nước nào có thể đứng ngoài cuộc. Chúng ta muốn phát triển thì phải hội nhập, đây là điều tất yếu và gắn kết với nhau. Mặt tích cực của toàn cầu hóa là việc người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ quốc tế, mở ra cơ hội mua sắm đa dạng và có chất lượng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, cũng theo đó là sự cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi người tiêu dùng phải có kiến thức và nhận thức cao để lựa chọn đúng, tránh rủi ro về chất lượng và an toàn.

Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng tỏ ra thông thái và yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và quyền lợi của mình. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là người tiêu dùng cần sẵn sàng tâm thế để hiểu biết về những quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với người tiêu dùng, đòi hỏi họ phải tự nâng cao kiến thức để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình trong thị trường toàn cầu.

Vừa qua, tại kỳ họp thứ V Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó bổ sung tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định rõ hơn về quyền của người tiêu dùng, ông có kỳ vọng gì về hiệu lực của các quy định mới này khi Luật đi vào cuộc sống?

Mặc dù Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) đến tháng 7/2024 mới đi vào thực thi, nhưng có thể khẳng định đây là bước tiến rất lớn trong việc bảo vệ người tiêu dùng.

Thứ nhất về đối tượng, đề cập đến cả Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan ban ngành khác, các tổ chức chính trị xã hội và cuối cùng là Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Tôi nghĩ rằng, đối tượng đông đảo như vậy rõ ràng vấn đề về bảo vệ người tiêu dùng sẽ được nhiều cơ quan quan tâm hơn và chắc chắn sẽ mang lại lợi ích chính đáng cho đông đảo người tiêu dùng cả nước.

Thứ hai về quyền của người tiêu dùng, là được sử dụng những sản phẩm tốt và dịch vụ thuận lợi, đáp ứng đúng nhu cầu. Đặc biệt là lớp người tiêu dùng yếu thế như người già, trẻ nhỏ, người bệnh,…

Người tiêu dùng có quyền khiếu nại trực tiếp với nhà sản xuất, kinh doanh, có thể nhờ cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội, các hệ thống bảo vệ người tiêu dùng ở trung ương và địa phương vào cuộc. Với số tiền lớn, người tiêu dùng hoàn toàn có thể khởi kiện, đưa ra tòa án. Chúng tôi ủng hộ những điều đó và luật mới cũng đã quy định.

Ở đâu đó trong cuộc sống, người tiêu dùng vẫn còn yếu thế, không phải ai cũng hiểu hết quyền lợi của mình, điều này đặt ra vấn đề các cấp Hội Bảo vệ người tiêu dùng cần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong hoạt động, ông có đánh giá gì về vấn đề này?

Thực tế phạm vi hoạt động càng lớn của các loại hình kinh doanh, loại hàng hóa đa dạng, đặc biệt là sự phát triển của hình thức giao dịch, kinh doanh trên môi trường mạng đặt ra thách thức về việc quản lý và giám sát giao dịch trực tuyến để đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho người tiêu dùng. Để giải quyết vấn đề này, hệ thống bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng toàn quốc gồm Trung ương Hội và các Hội tỉnh, thành phố phải cập nhật thường xuyên hơn và vào cuộc mạnh mẽ hơn mới có thể đáp ứng tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác giữa các cấp Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng như sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Chỉ thông qua sự hợp tác chặt chẽ này, mọi bên mới có thể đứng vững trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên diện rộng. Không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đứng ngoài cuộc trong việc chung tay bảo vệ người tiêu dùng.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, để nâng cao vai trò bảo vệ người tiêu dùng, theo ông, doanh nghiệp cần phải có chính sách và thay đổi như thế nào?

Cộng đồng doanh nghiệp gồm các nhà sản xuất, kinh doanh cần nhận thức rõ về vấn đề này. Bởi vì không có người tiêu dùng sẽ không có sản xuất kinh doanh. Đây là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. do vậy đầu tiên doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh kể cả là các cá nhân cần nhận thức rõ về điều đó để đáp ứng tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.

Đây là vấn đề rất lớn, xung quanh chất lượng, mẫu mã, giao dịch, đặc biệt là thông tin. Thực tế cho thấy, nhiều khi thông tin không đến được với người tiêu dùng, không phải ở các hội mà chính nhà sản xuất cung cấp không đầy đủ, thậm chí “lừa dối” người tiêu dùng. Về mặt đạo đức kinh doanh, chúng tôi không cho phép những lối làm ăn “lừa đảo”, “chộp giật”. Do đó các nhà sản xuất, kinh doanh cần nhận thức rõ, tuân thủ quy định để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, đặc biệt là 7 lớp người tiêu dùng yếu thế.

Sự hợp tác mạnh mẽ giữa các cấp Hội Hảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả cộng đồng người tiêu dùng chính là chìa khóa để tạo nên một môi trường tiêu thụ minh bạch, công bằng và an toàn. Chúng ta hướng đến một năm mới đầy triển vọng, nơi mọi người tiêu dùng đều được bảo vệ chặt chẽ và các doanh nghiệp hiểu rõ về vai trò quan trọng của họ trong việc đảm bảo sự hài lòng và tin tưởng từ phía khách hàng.

Xin trân trọng cảm ơn ông, kính chúc ông năm mới mạnh khỏe, thành công!

Duy Trinh