Giá vật liệu tăng bất thường, nhà thầu đối mặt với nguy cơ thua lỗ, phá sản

Cái khó của doanh nghiệp xây dựng là những hợp đồng đã kí với chủ đầu tư rất khó để điều chỉnh giá hoặc giãn tiến độ xây dựng, nghĩa là họ làm không lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nặng với đà tăng giá vật liệu xây dựng như hiện nay.

photo1622448311129-16224483113661347214253-1622512131-width698height391-1622512454.jpeg

Giá vật liệu xây dựng tăng chóng mặt, trong đó sắt thép tăng 40-60% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán không chỉ gây khó khăn đến người xây nhà, mà những nhà thầu xây dựng làm các công trình lớn cũng “méo mặt” vì quá sức chịu đựng.

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Tổng giám đốc CBM – Doanh nghiệp có hơn 40 năm trong lĩnh vực xây dựng chia sẻ, khi giá vật liệu xây dựng tăng, quả thực doanh nghiệp không dám báo giá cho chủ đầu tư dự án, vì sợ khi làm giá lại đội lên, điều đó có nghĩa là làm không lợi nhuận. Cái khó của doanh nghiệp xây dựng ở thời điểm này là kêu CĐT điều chỉnh giá lên theo giá của VLXD nhưng đa phần CĐT không chịu. Cho nên, giải pháp với nhà thầu xây dựng là báo giá gia công lắp đặt thôi, còn CĐT cấp thép, quy định rõ trong hợp đồng được hao hụt bao nhiêu %.

Ông Phan Văn Lợi, Chủ tịch Công ty Xây dựng Lam Sơn cho biết, chỉ trong 5-6 tháng đầu năm, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, đặc biệt là thép, bê tông. Cụ thể, giá sắt xây dựng D20 cuối năm 2020 chỉ khoảng trên dưới 83.000 đồng/cây thì giờ tăng lên 135.000/cây (tăng 62%).

Ông Lợi cho biết, những hợp đồng đã ký trước đó rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng. Hiện nay, giá vật liệu đã chững lại nhưng vẫn cao hơn 40-60% so với những ngày cuối năm 2020 và chưa có dấu hiệu ổn định, có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Với tình cảnh này, doanh nghiệp của ông hiện cũng không dám bỏ giá thầu, vì bỏ giá cao thì thua, bỏ giá thấp thì có nguy cơ thua lỗ.

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), giá thép thế giới giảm nhưng giá trong nước không giảm là do quan hệ cung - cầu.

“Ngoài ra còn là tâm lý muốn giữ giá của các doanh nghiệp cung cấp thép trong vai trò bên bán, họ chưa chịu giảm cho đến khi bắt buộc phải giảm. Chính phủ đã có chỉ đạo, Bộ Công thương đã làm việc với doanh nghiệp và Hiệp hội Thép, đưa ra một số giải pháp trong đó có những giải pháp tác động đến cung cầu nhằm hạ “nhiệt” giá thép trên thị trường. Tuy nhiên, các giải pháp đó mới được đưa ra chưa lâu, cần có thời gian, chưa thể mong có tác động ngay được”, ông Long nói.

Trung tuần tháng 5/2021 Bộ Xây dựngcó văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá thép, có giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép và hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn như thép, trường hợp cần thiết phải công bố giá vật liệu xây dựng hằng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.

Bộ Xây dựng đề nghị các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan đánh giá tác động của dịch Covid-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước, các dự án PPP, các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng.

Từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói.

Như Nguyễn (Tổng hợp)