Doanh nghiệp đừng nhầm tưởng cứ ứng dụng công nghệ là bán hàng thành công ngay

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp liên tục tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp nhất để áp dụng vào hoạt động tiếp thị, bán hàng nhằm theo dõi, thu thập, giải mã dữ liệu khách hàng, phân tích hành trình mua sắm của họ. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, không phải cứ ứng dụng công nghệ vào quy trình tiếp thị, bán hàng là hiệu quả tức thì.
Thách thức ứng dụng giải pháp công nghệ
Kinh tế internet của Việt Nam ngày càng tăng trưởng đã và đang thúc đẩy các DN hành động để có chiến lược thay đổi mô hình kinh doanh trong thời đại mới chuyển đổi số.
Tại hội thảo "Martech 2023: Data Solution Summit" do AKA Digital tổ chức mới đây, đánh giá về bức tranh ứng dụng giải pháp công nghệ trong hoạt động tiếp thị, bán hàng cũng như khó khăn, thách thức của DN Việt Nam, chuyên gia Tushar Eklaspur đến từ Netcore cho biết, DN khi lên môi trường số hóa thì dữ liệu bị phân mảnh với đội web riêng, đội app riêng, đội chăm sóc khách hàng riêng... Cuối cùng mỗi đội sẽ quyết định xem làm như thế nào, mua cái gì, xây dựng như thế nào. Điều này dẫn tới việc không đồng bộ.
"Thực trạng này hiện diễn ra ở nhiều DN Việt Nam. Mỗi đội có ý kiến, quan điểm riêng. Họ đề cập và mong muốn 1 hệ thống riêng nhưng những hệ thống này lại không kết nối được với nhau", ông Tushar Eklaspur nhận định.
Chuyên gia Tushar Eklaspur của Netcore.
Thách thức về bảo mật dữ liệu là điều đáng lưu tâm với các DN Việt. Khi lên môi trường internet thì độ an toàn càng giảm đi. Vấn đề đặt ra là làm sao có thể bảo mật được, tìm giải pháp nào để phù hợp với bảo mật là khó. Ngoài ra, với giải pháp đó sẽ cần phải bảo đảm việc không bị lọt dữ liệu ra ngoài vào tay đối thủ. Thêm nữa, DN làm sao phải tuân thủ theo các yêu cầu, quy định của Chính phủ trong việc bảo mật dữ liệu.
Chưa hết, công nghệ là thách thức lớn bởi đây là vấn đề mới. Trên thực tế, nguồn nhân lực hiện tại của DN Việt thiếu kiến thức về công nghệ để DN vận hành hiệu quả và theo kịp nhu cầu của khách hàng.
Ông Nguyễn Minh Long - CEO của AKA Digital nhìn nhận, với Việt Nam rào cản ngôn ngữ rất lớn. Thêm vào đó, văn hóa của Việt Nam rất đặc thù, không giống với các quốc gia trong khu vực.
Chẳng hạn, người Việt Nam không sẵn sàng chia sẻ như các nước khác. Ngoài ra, người Việt Nam ít quan tâm đến khâu lên kế hoạch trước, không đổ nguồn lực vào bước lên kế hoạch trước, mà thường đi tìm kiếm giải pháp.
Hệ lụy khi không ứng dụng công nghệ
Thời gian qua, các DN, thương hiệu liên tục tìm kiếm những công cụ, giải pháp công nghệ phù hợp nhất để áp dụng vào hoạt động tiếp thị và bán hàng nhằm theo dõi, thu thập, giải mã dữ liệu khách hàng, phân tích khuynh hướng hành vi online, hiểu hành trình mua sắm của họ. Từ đó, tiếp cận khách hàng tại những điểm chạm trên hành trình đó và tạo ra trải nghiệm mua hàng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Các diễn giả nhận định, việc ứng dụng các giải pháp công cụ là điều cần thiết trong thời đại mới. Việc DN không hoặc "đủng đỉnh" ứng dụng giải pháp công nghệ trong hoạt động vận hành sẽ đưa đến nhiều hệ lụy.
Các diễn giả tại hội thảo.
Ông Shawn Chan - Giám đốc kinh doanh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Capillary Tech đã nêu 5 vấn đề. Thứ nhất, DN sẽ bị lỡ nhiều cơ hội, đặc biệt là lỡ cơ hội vào những đối thủ cùng ngành mà họ ứng dụng công nghệ sớm hơn mình. Thực tế cho thấy, DN chậm chuyển đổi số sẽ mất rất nhiều khách hàng.
Thứ hai, DN sẽ bị giảm năng lực cạnh tranh vì đối thủ ứng dụng công nghệ nên có năng lực cạnh tranh hơn so với DN không ứng dụng và lấy đi cơ hội của mình.
Thứ ba, ngay bản thân nội tại DN, việc thiếu công nghệ thì việc vận hành sẽ không hiệu quả, không cải thiện được sức mạnh của DN. Với một số hệ thống, chỉ cần một cú click là đã xong rồi, còn khi không có công nghệ thì DN phải làm trên giấy, kéo theo mất thời gian, giảm hiệu quả vận hành.
Ông Shawn Chan - Giám đốc kinh doanh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Capillary Tech.
Thứ tư, công nghệ giúp DN tăng trưởng nhanh. Nếu không có công nghệ thì việc tăng trưởng sẽ lâu và tốn nhiều nguồn lực hơn rất nhiều.
Thứ năm, liên quan đến trải nghiệm người dùng. Không có công nghệ thì không thể tiếp cận được người dùng trên môi trường số. Nếu không có công nghệ sẽ không tiếp cận được tất cả điểm chạm của người dùng để có thể đưa ra trải nghiệm khách hàng tốt nhất.
"Hiện trải nghiệm khách hàng đã trở thành năng lực cạnh tranh thông qua động cơ để chiếm hữu thị phần, tăng trưởng doanh thu, và đặc biệt là tăng trưởng lợi nhuận thông qua trải nghiệm khách hàng", ông Shawn Chan nhấn mạnh.
Không phải cứ ứng dụng công nghệ là hiệu quả ngay
Dù nhấn mạnh sự cần thiết, tầm quan trọng của ứng dụng các công cụ, giải pháp công nghệ nhưng các diễn giả cho biết, vấn đề đặt ra là đầu tư giải pháp như thế nào để phù hợp và tối ưu với năng lực tài chính cũng như nhân lực hiện hữu của DN để tạo ra hiệu quả kinh doanh, tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, cần thực thi quy trình và sử dụng giải pháp ra sao để vẫn đảm bảo trách nhiệm bảo mật dữ liệu và an toàn thông tin cho người dùng khi vấn đề bảo mật dữ liệu đang trở thành tâm điểm trong vài năm gần đây.
Ông Alfred Choy - Giám đốc Kinh doanh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của mParticle cho rằng, không phải cứ ứng dụng công nghệ vào quy trình tiếp thị bán hàng, giải pháp về dữ liệu trên các nền tảng số là sẽ đem lại hiệu quả thành công tức thì cho DN.
Với các DN Việt Nam, khi phần lớn là các DN nhỏ và vừa, cộng với ngân sách và hiểu biết còn hạn chế thì đầu tư không hiệu quả và lãng phí là rất dễ xảy ra.
"Do đó, lời khuyên của tôi dành cho DN là hiểu cái nào nên làm trước, cái nào nên làm sau. Tiếp cận bước đầu đơn giản, lựa chọn đi từng nền tảng, thử nghiệm hiệu quả và triển khai những chức năng cơ bản trước. Sau đó ghép nối chúng lại với nhau thành một bức tranh tổng thể. Từ đó, hướng lựa chọn phát triển giải pháp tiếp theo sẽ rõ ràng hơn. Mặt khác, việc xây dựng bức tranh hệ sinh thái còn đòi hỏi sự am hiểu về nền kinh tế - xã hội tại địa phương. Chính vì vậy, vai trò của một đơn vị tư vấn khi cùng đồng hành với các đơn vị cung cấp giải pháp chuyên sâu đối với khách hàng doanh nghiệp là rất quan trọng", ông Alfred khuyến nghị.
Chuyên gia cho biết thêm, các DN cần hiểu rõ được tại sao mình cần phải dấn thân vào thế giới của dữ liệu khách hàng, hình dung rõ bức tranh của DN trong 5 năm tới, và vấn đề quan trọng nhất mà DN đang cần phải giải quyết là gì. Làm thế nào để thu thập, xử lý và phân tích được dữ liệu khách hàng. Lượng dữ liệu khách hàng mà DN mình hiện đang có đã đủ để đưa ra những quyết định về mặt kinh doanh chưa. Và nếu đủ thì cần sẽ làm gì với nguồn dữ liệu đó.
Bên lề sự kiện, ông Nguyễn Minh Long - CEO của AKA Digital Vietnam chia sẻ, trong bối cảnh thị trường khó khăn với nhiều cạnh tranh, đồng thời phải tuân thủ các quy định khắt khe về dữ liệu cá nhân tại Nghị định 13 của Chính phủ, nhiều DN muốn tìm kiếm một giải pháp trọn gói. Tuy nhiên, cách tiếp cận này gây ra sự cồng kềnh, thiếu linh hoạt khi triển khai, vận hành hoặc khi DN có nhu cầu cải tiến, thay thế hệ thống giải pháp.
Ông Nguyễn Minh Long - CEO của AKA Digital Vietnam.
Một nền tảng chuyên biệt là điều DN cần lưu tâm bởi nền tảng này sẽ thực hiện rất tốt khả năng xử lý tác vụ riêng của nó. Tuy nhiên, khi tìm kiếm một giải pháp để giải quyết vấn đề kinh doanh, DN sẽ hạn chế quy trình làm việc rườm rà với nhiều bên và mong muốn một giải pháp đa nhiệm tổng thể.
Điểm hạn chế của những nền tảng tích hợp lại nằm ở chỗ khả năng và hiệu quả triển khai của từng chức năng không mạnh mẽ được như những nền tảng chuyên biệt.
Nếu liên kết các nền tảng độc lập lại với nhau, hình thành nên một hệ sinh thái cung cấp giải pháp thì ở đó mỗi khâu đoạn đều được đảm nhận bởi chuyên gia. Doanh nghiệp có thể lựa chọn triển khai ở những khâu riêng biệt, lắp ghép lại với nhau cho phù hợp với nguồn lực tài nguyên sẵn có mà không cần phải chi ngân sách lớn cho cả một giải pháp tích hợp trong khi bài toán đang cần thực hiện chỉ nằm ở một vài khâu trong chuỗi xử lý đó.