Có một nghề Trung Quốc giữ bí mật nhiều thế kỷ thế mà vẫn truyền sang Việt Nam, đó là nghề gì?

Nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa xuất hiện đầu tiên trong lịch sử nhân loại là ở Trung Quốc cách đây gần 5.000 năm. Sau nhiều thế kỷ cố giữ bí mật về nghề dưới chế độ phong kiến Trung Quốc, cuối cùng nghề này đã bị phát tán tới Hàn Quốc và nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa xuất hiện đầu tiên trong lịch sử nhân loại là ở Trung Quốc cách đây gần 5.000 năm. Sau nhiều thế kỷ cố giữ bí mật về nghề này dưới chế độ phong kiến Trung Quốc qua nhiều triều đại, cuối cùng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa đã bị phát tán tới Hàn Quốc vào thế kỷ thứ 4, sau đó mới phát triển ra các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay có khoảng trên 60 nước có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, trong đó 10 nước có sản lượng nằm trong tốp đầu của thế giới. Tại Việt Nam, nghề trồng dâu nuôi tằm có từ lâu đời và trở thành nghề truyền thống.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước hiện có 32 tỉnh có nghề trồng dâu nuôi tằm, với 38.076 hộ nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm, tính theo lao động chiếm 0,24% tổng lao động nông nghiệp. Nghề trồng dâu nuôi tằm đóng góp khoảng 2% tổng giá trị xuất khẩu.

Có một nghề người Trung Quốc giữ bí mật nhiều thế kỷ, nay nhiều tỉnh ở Việt Nam có nghề này- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hải (bìa trái), Giám đốc Công ty TNHH thương mại Hải Dũng (Hà Nam) cùng ông Rustam Kholmatov, Chủ tịch Hội đồng Cộng hòa Công đoàn Công nhân Tổ hợp Công nghiệp Nông nghiệp Uzbekistan kiểm tra chất lượng kén tằm thu mua tại làng nghề Nha Xá (huyện Duy Tiên). Ông Rustam Kholmatov cho biết, ông rất ấn tượng trước quy mô hơn 10.000 người từ hộ gia đình nuôi trồng tơ tằm, công nhân, nhân viên thu mua trong chuỗi sản xuất tơ tằm, dệt lụa của doanh nghiệp Hải Dũng.

Cụ thể, diện tích trồng dâu cả nước khoảng 13,2 ngàn ha, tập trung chủ yếu ở vùng Tây Nguyên (trong đó Lâm Đồng chiếm khoảng 73% diện tích so với cả nước); tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018 - 2022 là 12,15%.

Về giống dâu, hiện có 3 loại được sử dụng trong sản xuất, gồm giống dâu địa phương, giống mới chọn lọc của Việt Nam (tam bội hoặc lai) và giống nhập từ Trung Quốc. Giống dâu mới chọn lọc của Việt Nam cho năng suất lá từ 35-40 tấn/ha.

Năm 2022, sản lượng kén tằm của cả nước đạt 16.824 tấn, trong đó vùng Tây Nguyên đạt 14.796 tấn chiểm 87,94% so với cả nước (riêng Lâm Đồng đạt 14.708 tấn, chiếm 87,42 % so với cả nước). Giá trị xuất khẩu tơ tằm của Việt Nam năm 2022 đạt 97,7 triệu USD. Phần lớn tơ thô của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ (năm 2020: 91,4%, năm 2021: 92,3%, năm 2022: 95%).

Giống tằm nuôi tại Việt Nam có 2 loại: tằm dâu và tằm thầu dầu lá sắn. Giống tằm dâu được sử dụng chủ yếu trên diện rộng của cả nước, gồm giống đa hệ kén vàng và giống lưỡng hệ kén trắng. Giống tằm đa hệ cho chất lượng tơ không tốt bằng giống lưỡng hệ nhưng khỏe và dễ nuôi hơn giống lưỡng hệ cho chất lượng tơ cao. Giống tằm thầu dầu lá sắn được nuôi ở một số vùng trung du và miền núi.

Có một nghề người Trung Quốc giữ bí mật nhiều thế kỷ, nay nhiều tỉnh ở Việt Nam có nghề này- Ảnh 2.

Đoàn công tác Uzbekistan thăm phòng trưng bày các sản phẩm tơ lụa của Công ty TNHH Thương mại Hải Dũng. Ngoài thị trường Uzbekistan, Công ty Hải Dũng còn xuất khẩu tơ lụa đi nhiều thị trường khác như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.

Tại Việt Nam, các cơ sở sản xuất trứng tằm dâu gồm: Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng, Công ty Cổ phần giống tằm Thái Bình, Trạm nghiên cứu Dâu tằm Việt Hùng, Thái Bình. Các cơ sở sản xuất trứng tằm sắn gồm: Công ty cổ phần Giống tằm sắn Bảo Lộc và một số cơ sở sản xuất giống tằm sắn tại xã Đồng Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ.

Đối với giống tằm đa hệ kén vàng và tằm thầu dầu lá sắn, hiện nay Việt Nam hoàn toàn chủ động được nguồn trứng.

Đối với trứng tằm lưỡng hệ kén trắng Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, 90% trứng tằm lưỡng hệ (kén trắng) đang nhập từ Trung Quốc. Loại giống đang nhập khẩu là cặp lai tứ nguyên tằm lưỡng hệ kén trắng (đây là cặp lai kép thương mại) không phải là các giống nguyên chủng.

Có một nghề người Trung Quốc giữ bí mật nhiều thế kỷ, nay nhiều tỉnh ở Việt Nam có nghề này- Ảnh 3.

Việt Nam hiện đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, nghề dệt lụa ở nước ta từng rất phát triển và đã hình thành các làng nghề dệt truyền thống nổi tiếng như: Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam), Nam Cao (Thái Bình)... Ngày nay, các làng nghề này vẫn đang phát triển nhưng kỹ thuật theo lối cổ truyền, sản xuất thủ công. Công nghệ dệt hiện nay vẫn áp dụng khung cửi cơ khí, được lập trình bằng giấy bìa đột lỗ. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất. Tuy nhiên, sản phẩm lụa khá đẹp, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển các sản phẩm từ lụa và chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Các sản phẩm này chủ yếu được bán cho khách du lịch đến Việt Nam và đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đơn cử như làng nghề dệt lụa Nha Xá (Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) được hình thành từ khoảng cuối thế kỉ 13, đầu thế kỉ 14 song đến nay vẫn có hơn 90% hộ dân trong làng làm nghề dệt lụa, trong đó có 2 nghệ nhân, 30 thợ giỏi, hơn 370 máy dệt các loại.

Điều đặc biệt của lụa Nha Xá là nơi đầu tiên dùng những chất liệu từ thiên nhiên như củ nâu, cánh kiến, lá bàng, lá trầu không... để nhuộm lụa tơ tằm. Chính vì vậy, sản phẩm lụa của Nha Xá có những nét đặc trưng riêng với sự mộc mạc, trang nhã về màu sắc và bền đẹp với thời gian.

Có một nghề người Trung Quốc giữ bí mật nhiều thế kỷ, nay nhiều tỉnh ở Việt Nam có nghề này- Ảnh 4.

Một góc xưởng sản xuất lụa dệt từ tơ tằm của Công ty TNHH thương mại Hải Dũng (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).

Có một nghề người Trung Quốc giữ bí mật nhiều thế kỷ, nay nhiều tỉnh ở Việt Nam có nghề này- Ảnh 5.

Làng nghề Nha Xá, xã Mộc Nam (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) hiện có hơn 90% hộ dân làm nghề dệt lụa, có 2 nghệ nhân, 30 thợ giỏi, hơn 370 máy dệt các loại, sản lượng tiêu thụ lụa, đũi, lanh hàng tháng đạt từ 50.000 - 80.000 mét.

Giữa những làng lụa nổi tiếng khác trên cả nước, lụa Nha Xá vẫn có 1 chỗ đứng riêng nhờ sự kỳ công, tỉ mỉ của những người thợ dệt. Được làm từ sợi tơ tằm tự nhiên, trải qua đầy đủ các quá trình như quay tơ, dệt máy, tẩy chuội, nhuộm màu rồi cán khô… nên các sản phẩm nơi đây có chất vải mềm mịn, mỏng nhẹ, ít phai màu, khi mặc cho cảm giác thoải mái, mát, ít nhăn...

Ngày nay, quy mô sản xuất của làng lụa Nha Xá được mở rộng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều gia đình đã đóng thêm máy dệt hoặc thay khung gỗ thành khung sắt và dần dần chuyên môn hóa. Mỗi hộ chỉ chuyên tâm vào một vài khâu như hộ dệt chỉ dệt, hộ nhuộm chuyên nhuộm. Vì vậy chất lượng sản phẩm được nâng cao, sản lượng lớn hơn, mẫu mã phong phú, đa dạng. Nhiều mặt hàng mới ra đời như hàng đũi, tơ se, hàng lụa hoa, hàng lanh… Nghề dệt lụa Nha Xá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia.

Minh Huệ