Chuyên gia cảnh báo tránh mất tiền oan, vô bổ các hoạt động trải nghiệm hè

Chuyên gia cho biết, một số nơi tổ chức các hoạt động trải nghiệm không như lời quảng cáo. Bố mẹ trước khi quyết định cho con đi phải hỏi rõ ràng để tránh tiền mất, tật mang.

Chỉ còn vài ngày nữa học sinh chính thức được nghỉ hè. Có nhiều kế hoạch trong kỳ nghỉ dài này đã được bố mẹ đưa ra, trong đó hoạt động trải nghiệm hè được quan tâm hơn cả.

Hiện nay có nhiều hình thức trải nghiệm hè với nội dung và chi phí khác nhau. Mảng trại hè tại Việt Nam đang chia thành 2 dạng là học kỹ năng theo buổi và các khóa ngắn hạn (từ 1 tuần đến 8 tuần). Hình thức học đa dạng từ trại hè tiếng Anh, trại hè kỹ năng sống, MC nhí, khóa nhập ngũ, khóa tu, trải nghiệm sinh tồn, trải nghiệm nghề nghiệp như học làm Youtuber, lập trình, truyền thông, ca sĩ, diễn viên, đầu bếp... Học phí mỗi khóa ngắn hạn này dao động 3-15 triệu đồng.

Ngoài hình thức học tập hè trong nước, phụ huynh có thể chọn lựa các khóa du học hè ngắn hạn tại nước ngoài. Chi phí cho hoạt động này khá cao dao động từ 15-200 triệu đồng, tùy thời gian và điểm đến.

Chuyên gia cảnh báo tránh mất tiền oan, vô bổ các hoạt động trải nghiệm hè - Ảnh 1.

Nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Ảnh: PHCC

Lợi ích của việc tham gia trại hè đã thấy rõ khi trẻ học được kỹ năng, tự lập, ý thức tự giác, tuy nhiên, nhiều phụ huynh phản ánh con đã xuất hiện những hành động tiêu cực. Không ít những bạn nhỏ trở về sau khóa huấn luyện đã học tật xấu theo bạn bè như ăn nhanh, nói to, nói tục, chửi bậy… Thậm chí có em gặp nguy hiểm tính mạng và từng có trường hợp bị xâm hại khi tham gia trại hè.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: “Hiện nay mọc lên vô vàn những hình thức trại hè khác nhau và hầu hết đều nhắm vào kỹ năng sống. Có một số trại hè nhắm vào nâng cao thành tích học tập để thu hút phụ huynh hoặc mang tính chất đưa học sinh đi chơi, hưởng thụ sau 1 năm học…”.

Theo bà Hương, cho học sinh tham gia trại hè là tốt. Các trại hè hiện nay đã làm thay đổi môi trường sống khác hẳn việc học ở trường, tách các em ra khỏi thiết bị điện tử. Các con cần được học thêm kỹ năng, cống hiến và khám phá. Thế nhưng kèm đó trại hè phải có ý nghĩa giáo dục và phải an toàn: “Hiện nay một số trại hè vẫn tập trung vào chơi và học kỹ năng. Những kỹ năng thì có giới hạn, nhiều chương trình chưa phù hợp với học sinh.

Ví dụ như các chú lính cứu hỏa sẽ cho các em học cứu hỏa trong khi lứa tuổi đó các em chỉ nên học kỹ năng thoát khỏi đám cháy. Trong thời điểm nhà cháy mà các em chỉ loay hoay tìm bình cứu hỏa thì các em là người gặp nạn. Các em phải thoát khỏi đám cháy rồi gọi người đến cứu mới đúng. Mặt khác, học cứu hỏa xong có thể về nhà các em sẽ tự bật lửa lên rồi thực hành xịt gây nguy hiểm. Vì vậy, các trại hè nên hiểu về tâm lý học sinh để xây dựng chương trình.

Bên cạnh đó, ngoài hỏa hoạn thì còn nhiều kỹ năng khác như tránh xâm hại, bắt cóc, đuối nước, sử dụng các vật dụng nguy hiểm… các em cũng cần được học và phải học đầy đủ chứ không phải là lát cắt vì như vậy sẽ không trúng vào nhu cầu đứa trẻ.

Về mục đích khám phá, người lớn “ném” các em vào điều kiện rất tệ, hoang sơ, quá khác biệt so với điều kiện ở nhà như tắm suối, nằm rừng… Trẻ dễ gặp nguy hiểm như sốt rét, côn trùng cắn, ngã, rắn cắn, ong đốt, dị ứng… Chúng ta phải có những quy tắc để phòng tránh nguy hiểm cho trẻ em. Tạo cho các em cuộc sống đa dạng là rất hay nhưng phải an toàn, có giá trị giáo dục”.

Chuyên gia Thu Hương đưa ra lời khuyên: “Hiện nay có một số đơn vị tổ chức trại hè có tiếng, uy tín và được phụ huynh mách bảo nhau. Tuy nhiên, một số nơi không như lời quảng cáo. Bố mẹ trước khi quyết định cho con đi phải hỏi rõ về độ an toàn, có bảo hiểm cho con không, hoạt động thế nào, điều kiện sống ra sao, khi gặp sự cố bên nào chịu trách nhiệm, cách họ ứng cứu các con... Đưa các con đi phải yêu cầu có bản hợp đồng, cho dù bản hợp đồng đó chỉ là thỏa thuận 2 bên nhưng cũng có giá trị khi có sự vụ xảy ra. Hay hơn nữa là phải có bản cam kết 2 bên.

Với việc đi nước ngoài, phụ huynh còn phải tìm hiểu quy định của các đoàn, chế tài xử phạt ở các nước sở tại. Nếu gặp đoàn xử lý lúng túng sẽ gây khó khăn cho các con. Ví dụ như tại khu công viên ở Singapore cấm bật lửa, các em không biết bị phạt tiền thì ai là người chịu trách nhiệm.

Bố mẹ còn làm công tác giáo dục cho các con, dạy con làm theo yêu cầu của đoàn, ứng xử khi bị lạc, gặp khó khăn thì nhờ ai giúp đỡ. Thậm chí phải bảo vệ bản thân vì từng có trường hợp học sinh bị xâm hại khi tham gia trại hè”.