Câu chuyện 'Ngôi làng thần kỳ' và thông điệp cho phát triển nông sản

Từ câu chuyện "Ngôi làng thần kỳ" tại Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đưa ra thông điệp: Phát triển sản phẩm nông nghiệp phải dựa trên niềm tin của người tiêu dùng. Muốn có được sản phẩm giá trị cao và phát triển bền vững, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan (đứng giữa) cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội và huyện Mê Linh thăm cánh đồng xã Tráng Việt - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thông điệp được đưa ra sau buổi thực địa và làm việc của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng Sở NN&PTNT Hà Nội và UBND xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội).

Không có nông nhàn

Những ngày qua, người ta bắt gặp câu chuyện về củ cải Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) bị rớt giá, có lúc phải đổ bỏ. Nghe được câu chuyện này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đích thân xuống xem xét tình hình sản xuất thực tế tại địa phương này.

Từng là một xã nghèo thuộc huyện Mê Linh, đến nay Tráng Việt đã trở thành vựa rau của cả Hà Nội với thu nhập trung bình 60-70 triệu đồng/người/ năm.

Theo ông Đàm Văn Thìn, Phó Chủ tịch xã Tráng Việt, việc cơ giới hóa công tác làm đất, tưới tiêu đã giúp tăng năng suất, chất lượng của rau xã. Người dân được giải phóng sức lao động nên chỉ cần tập trung thu hoạch, chế biến. Khâu chế biến không quá nặng nhọc đã tận dụng được tối đa lực lượng lao động trên địa bàn. "Nhiều cụ ở tuổi 75-80 vẫn có thể ngồi sơ chế rau cho các hợp tác xã (HTX), với mức lương 20.000–25.000 đồng/giờ, giúp cải thiện đời sống. Ở Tráng Việt không có nông nhàn”, ông Thìn nói.

Vụ gối vụ đã giúp đời sống người dân khấm khá lên. Nhiều hộ đã trở thành đầu mối mua rau của toàn xã. Rau cứ trồng được 25 đến 30 ngày sẽ được thu mua tại ruộng, sau thu mua người trồng rau được trả công chăm sóc tiếp đến khi thu hoạch. Điều này cũng khiến người trồng trọt an tâm phần nào trước rủi ro “lật kèo” từ thương lái.

Rau xã Tráng Việt đang cung cấp cho toàn bộ TP. Hà Nội - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tuy vậy, ông Thìn cũng chia sẻ: “Nhiều khi cũng có 'tai nạn' trong sản xuất. Như cuối năm 2020 vừa qua có một diện tích rau 'hát ngồng' (không phát triển được đến khi thu hoạch) làm chúng tôi rất lo lắng. Tìm hiểu ra thì do thời tiết thuận lợi, rau lên tốt, nhiều bà con tiếc giống, đáng nhẽ ngâm giống rồi gieo trồng luôn mới đúng kỹ thuật thì lại đem một lượng trữ ở tủ lạnh rồi sau đó mang ra dùng dần mới bị như vậy”.

Mới đây nhiều nơi thông tin về rau củ bị đổ bỏ tại Tráng Việt do rớt giá, nhưng thực tế không có việc đó. “Bởi lượng rau củ sấy khô hiện đang có giá từ 80.000-100.000 đồng/kg nên các sản phẩm dùng được vẫn giữ để sấy khô, coi như một loại tài sản tích lũy trong nhà. Rau củ được chở ra đồng là dạng phế phẩm ủ làm màu mỡ cho đất chứ không phải đổ bỏ”, ông Thìn giải thích.

Lắng nghe câu chuyện tại cánh đồng Tráng Việt, Thứ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi :“Ai là người đang thu mua cho bà con? Giờ có người mua giá nhích lên chút bà con có bán không?”. Ông cũng chia sẻ với chính quyền địa phương: “Đó là điều doanh nghiệp (DN) ngại nhất khi vào thu mua nông sản. Bà con phải giữ chữ tín và san sẻ rủi ro với thương lái thì việc thu mua mới bền vững được”.

Toàn bộ cánh đồng xã Tráng Việt đã cơ giới hóa việc làm đất và tưới tiêu - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đưa niềm tin và cảm xúc vào sản phẩm

Sau buổi thực địa trên cánh đồng xã Tráng Việt, Thứ trưởng Lê Minh Hoan đã làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội cùng với lãnh đạo huyện Mê Linh, xã Tráng Việt. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ câu chuyện về “ Ngôi làng thần kỳ” Kawakami (tỉnh Nagano, Nhật Bản).

Những năm 1960 -1970 Kawakami là ngôi làng hẻo lánh và có khí hậu lạnh, đất cằn cỗi, nằm trong số những làng nghèo nhất Nhật Bản. Sau chiến tranh, người Mỹ đến nước Nhật khá đông. Khi đó nhu cầu về xà lách cho người Mỹ ở Nhật tăng lên mà xà lách ưa lạnh rất thích hợp trồng tại Kawakami. Nhiều năm sau đó, nhu cầu này cũng ngày một phát triển để chế biến các món ăn phương Tây trên đất Nhật. Xà lách của Kawakami trồng bao nhiêu hết bấy nhiêu.

Đứng trước cơ hội rộng mở đó, vị trưởng làng không chỉ đốc thúc bà con sản xuất mà đứng lên kêu gọi và nhận được sự đồng thuận về việc sản xuất theo một tiêu chuẩn chung. Làng cũng có hẳn một kênh truyền hình cập nhật thời tiết, mùa vụ, giá cả thị trường để bà con tham khảo.

Thực tế việc sản xuất của làng Kawakami chỉ diễn ra trong 4 tháng, những tháng còn lại trong năm thời tiết quá lạnh không thể canh tác được gì. Tuy nhiên, ở những năm 2014, thu nhập bình quân của dân làng này đã ở mức 200.000 USD/năm, vươn lên thành một trong những ngôi làng có thu nhập cao nhất nước Nhật.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan nhận thấy tiềm năng phát triển giá trị các sản phẩm rau Tráng Việt còn rất lớn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Từ câu chuyện của "Ngôi làng thần kỳ", Thứ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Sản phẩm tốt dĩ nhiên ai cũng cần. Nhưng bây giờ muốn nâng cao giá trị của rau củ, chúng ta phải tích hợp nhiều giá trị vào đó. Sản phẩm phải có thêm giá trị thương hiệu và văn hóa của địa phương. Mà thương hiệu, văn hóa đó phải được xây dựng trên niềm tin của người tiêu dùng”. Niềm tin về sản phẩm an toàn, niềm tin về sản xuất đúng khoa học, buôn bán biết giữ chữ tín và chia sẻ chính là cơ sở để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng ngày một nhiều hơn. Khi họ tin, yêu sản phẩm thì giá trị sẽ được nhân lên nhiều lần. Lúc đó truyền thông cũng sẽ mang tính xây dựng và kết nối hơn, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cũng gợi mở các hướng phát triển du lịch nông nghiệp tại Tráng Việt: “Tráng Việt không quá xa nội thành Hà Nội, nếu có những trang trại mang tính tích hợp để trải nghiệm cho trẻ em ở đô thị sẽ rất tốt. Học sinh thành phố sẽ có thực tế về nông nghiệp và các thực phẩm các em dùng hằng ngày. Xã ngay gần đền Hai Bà Trưng, nếu chúng ta biết gắn sự tích oai hùng này với định hướng sản xuất, xây dựng thương hiệu như “Rau Hai Bà” thì các dịch vụ sẽ được kích hoạt ngay trong sản xuất nông nghiệp hiện nay của địa phương. Tráng Việt đã có những bước đi rất ngoạn mục trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhưng chắc chắn dư địa để nâng cao giá trị cho sản phẩm của địa phương vẫn còn rất lớn”.

Đỗ Hương