Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU tăng trưởng khả quan

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường EU đều tăng trưởng khá, trong đó thị trường Đức đạt hơn 80 triệu USD, tăng gần 17%.

Theo số liệu ước tính từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng vừa qua, bất chấp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU vẫn tăng trưởng khả quan. Triển vọng xuất khẩu sang thị trường EU được dự báo vẫn còn nhiều cơ hội.

xuat-khau-go-1631238938.jpg

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU tăng trưởng khả quan

Xuất khẩu đến các thị trường trong EU đều tăng khá

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường EU trong tháng 7 đạt 44,5 triệu USD, tăng hơn 22% so với tháng 7/2020. Tính chung trong 7 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU đạt 396,9 triệu USD, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường EU trong 7 tháng, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tăng khá, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường EU đạt 331,7 triệu USD, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ là 2 mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ. Tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là mặt hàng đồ nội thất văn phòng và đồ nội thất nhà bếp.

Trong 7 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường EU đều tăng trưởng khá. Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là thị trường Đức đạt 80,3 triệu USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới EU. Tiếp theo là thị trường Pháp đạt 78,4 triệu USD, tăng gần 30%; Hà Lan đạt 63,4 triệu USD, tăng 50%; Bỉ đạt 40,5 triệu USD, tăng gần 56%...

Tháo gỡ khó khăn cản trở đà tăng trưởng

Theo các chuyên gia, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU vẫn còn nhiều cơ hội. Cụ thể, kinh tế toàn khối EU đang có xu hướng tích cực trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực đang mở cửa trở lại, chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được đẩy nhanh và quỹ kích thích chung của EU được khởi động để hỗ trợ chính sách tiền tệ nới lỏng. Thị trường xây dựng hoạt động mạnh cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ tại EU tăng mạnh trong thời gian tới.

Đáng chú ý, xu hướng phát triển nhanh chóng trong phương thức bán hàng trực tuyến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, dễ dàng tương tác với người tiêu dùng EU, nắm bắt thị hiếu và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Lợi thế từ thuế quan để nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu cho sản xuất từ EU theo Hiệp định EVFTA, từ đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí; tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU trong thời gian tới.

Trong khối thị trường EU, Đức là quốc gia có dân số đông nhất và cũng là nền kinh tế phát triển năng động nhất. Đức là cửa ngõ và có vị trí thuận tiện về logistics nên giảm thời gian đơn hàng vào các hệ thống tiêu thụ tại EU. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp cận được vào thị trường Đức sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển mạnh sang thị trường EU trong thời gian tới.

Người Pháp là những người tiêu dùng lớn đối với đồ nội thất tại thị trường EU. Đặc biệt, hơn một năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người Pháp phải ở nhà nhiều hơn, vì vậy dành nhiều thời gian hơn để tân trang lại ngôi nhà và quan tâm nhiều tới các sản phẩm nội thất, nên doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này tới thị trường Pháp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước khiến tình hình sản xuất chế biến gỗ bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao, đóng cửa nhà máy vì giãn cách xã hội…, điều này sẽ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU và cản trở đà tăng trưởng trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường này.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 8 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU đạt 28,4 triệu USD, giảm hơn 16% so với tháng 8/2020. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU ước đạt 425,3 triệu USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Các chuyên gia dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU trong nửa cuối năm nay giảm 10-12% so với nửa đầu năm.

Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nói chung và xuất khẩu sang thị trường EU nói riêng, ngày 7/9, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có Công văn số 68 gửi Thủ tướng và các Bộ, ngành kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ để duy trì sản xuất và tái phục hồi. Theo đó, đề nghị nâng hạng ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế; đề nghị các địa phương cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn áp dụng phương thức “3 tại chỗ” hoặc “2 tại chỗ” tùy theo tình hình thực tế; cho phép người lao động của doanh nghiệp được di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 hoặc 1 mũi vaccine và thực hiện nghiêm túc 5K; cho phép các doanh nghiệp tự test Covid-19 đối với người lao động của mình và được các cơ quan chức năng công nhận kết quả test của doanh nghiệp....

Đồng thời đề nghị ngành ngân hàng giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4-4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay. Giãn nợ gốc và trả lãi từ 6 tháng tới 12 tháng để doanh nghiệp có đủ thời gian ổn định sản xuất; hỗ trợ cho doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ 3-6 tháng áp dụng đối với ngân hàng thương mại, với mức lãi suất thấp từ 2-3%....

Về dài hạn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Thủ tướng đạo các địa phương bố trí quỹ đất để quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung ở các địa phương có nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết sản xuất tốt hơn, có hệ thống kho bãi chứa hàng và dự trữ nguyên liệu sản xuất đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển sản xuất và kịp thời ứng phó trong bối cảnh bất thường khi hoạt động xuất/nhập khẩu gặp khó khăn.

Theo Tạp Chí Công Thương

NĐH