Xuất khẩu dệt may, da giày đều khó phục hồi nhanh

Thống kê của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam 1 tháng trước cho thấy, tỷ lệ đơn hàng rút khỏi Việt Nam khoảng 20%; hiện tỷ lệ này đã tăng lên 40-50%.

Kim ngạch tháng 8 giảm

8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may, da giày vẫn ghi nhận tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, nếu xét riêng trong tháng 8/2021, xuất khẩu sụt giảm rõ rệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 8 ước giảm 18,7% so với tháng 7 và giảm 5,8% so với tháng 8/2020.

Với da giày, số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, nếu tính chung 8 tháng đầu năm nay, trị giá xuất khẩu giày dép đạt 12,6 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính riêng tháng 8/2021, trị giá xuất khẩu giày dép các loại lại giảm tới 38,5% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số nêu trên đã thể hiện rất rõ tác động của đại dịch Covid-19 tới xuất khẩu dệt may, da giày của Việt Nam thời gian gần đây. Điều đáng nói là, những khó khăn khốc liệt hơn vẫn còn ở phía trước, điển hình là khó khăn nguồn nhân lực.

kho-hoi-phuc-1632376613.jpg

Mục tiêu năm 2021 đạt trị giá XK 39 tỷ USD, tương đương mức của năm 2019 trước khi đại dịch bùng phát đang rất xa vời với ngành dệt may Việt Nam. Ảnh: Hải Quan Online

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty CP Đồng Tiến (TP Biên Hoà, Đồng Nai) cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản hướng dẫn để doanh nghiệp hoạt động trở lại như tiêm vaccine, lao động phải trong vùng xanh, được xét nghiệm trước Covid-19… Tuy nhiên hiện nay ở Biên Hòa, các phường, xã theo tiêu chí của Chính phủ đều nằm trong diện vùng đỏ. Như vậy người lao động không thể đi làm được. Công ty Đồng Tiến đang nỗ lực trong thực hiện “3 tại chỗ”, song chỉ thực hiện chưa đến 10% nhân lực. Việc dừng sản xuất, cắt giảm đơn hàng từ đối tác khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Tiền mua nguyên vật liệu để sản xuất giờ nằm kho cũng rất lớn.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thiếu nhân lực khi mở cửa kinh tế trở lại là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Nếu TP HCM và các tỉnh thành phía Nam mở cửa trở lại trong tháng 10/2021, rất khó để công nhân quay trở lại làm việc vì chỉ còn vài tháng nữa sẽ đến tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. “Ngoài ra, Chỉ thị 16 vẫn đang được áp dụng tại nhiều địa phương là rào cản trong vấn đề tìm nguồn lao động thay thế. Tôi cho rằng, thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35-37%”, ông Giang đánh giá.

Nút thắt “thiếu lao động”

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam chia sẻ thêm, hiện các đơn hàng đã rút đi rất nhiều. Thống kê của Hiệp hội 1 tháng trước cho thấy, tỷ lệ đơn hàng rút khỏi Việt Nam khoảng 20%; hiện tỷ lệ này đã tăng lên 40-50%. Đơn hàng của ngành da giày từ lúc đàm phán đến lúc ký kết khoảng 6 tháng. Như vậy, ít nhất 6 tháng nữa, các đơn hàng này mới có thể quay trở lại. Nhiều nhãn hàng nổi tiếng đã rời khỏi Việt Nam để sang Trung Quốc, Indonesia… Việc các đơn hàng rút đi cộng với thiếu hụt lao động khiến cho doanh nghiệp không thể mở cửa sản xuất trở lại được ngay.

Về triển vọng phục hồi sản xuất, xuất khẩu thời gian tới, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, 4 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may. “Không ít khách hàng chuyển đơn hàng đi nước khác và sẽ thiếu nhân công do nhiều người lao động đã về quê không dễ quay trở lại ngay. Nếu tình hình dịch bệnh không kiểm soát được trong tháng 9, khả năng cả năm nay ngành chỉ đạt trị giá xuất khẩu 33-34 tỷ USD. Mục tiêu năm 2021 đạt trị giá xuất khẩu 39 tỷ USD, tương đương mức của năm 2019 trước khi đại dịch bùng phát sẽ rất xa vời”, ông Cẩm nhấn mạnh.

Đại diện một số doanh nghiệp dệt may, da giày cho rằng, thời điểm hiện tại muốn “sống chung” với dịch, để thu hút nguồn lao động, vaccine vẫn là “chìa khoá”. Thực tế cho thấy nhiều điểm đáng lạc quan khi Việt Nam dự kiến sẽ nhận thêm nhiều vaccine trong thời gian tới, tạo điều kiện để mở cửa lại nền kinh tế một cách bền vững.

Ngoài vaccine, bà Phan Thị Thanh Xuân đề xuất có thể thực hiện cho doanh nghiệp chủ động về phòng chống dịch. Các doanh nghiệp đang rất cần trợ giúp, tư vấn về trang bị y tế tại chỗ, trang bị kiến thức, điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men chữa bệnh; kết nối hệ thống thông tin; giám sát, hỗ trợ, khai báo qua hệ thống mạng… “Doanh nghiệp có cơ sở, phòng cách ly thế nào để đạt chuẩn, khu cách ly thế nào, sử dụng thuốc ra sao…, là những vấn đề rất cần ngành y tế vào hỗ trợ. Việc này vừa giúp doanh nghiệp tự chủ phòng chống dịch, vừa giảm gánh nặng cho Nhà nước, địa phương trong quản lý người lao động…”, bà Xuân nói.

Theo Hải Quan oline

NĐH