VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm

VN-Index đang gần target của sóng điều chỉnh a với target đầu tiên theo lý thuyết là ngưỡng 1.200 điểm. Tuy nhiên, nếu tình trở nên tiêu cực hơn thì VN-Index vẫn có thể lùi những ngưỡng hỗ trợ sâu hơn mà gần nhất là ngưỡng 1.100 điểm.

VN-Index vẫn có thể lùi những ngưỡng hỗ trợ sâu hơn, gần nhất là ngưỡng 1.100 điểm

Thị trường chứng khoán có tuần giảm điểm thứ sáu liên tiếp với với mức giảm rất mạnh và thanh khoản tiếp tục duy trì dưới mức trung bình. Kết thúc tuần giao dịch 9/5 - 13/5, VN-Index giảm 146,49 điểm (-11%) xuống 1.182,77 điểm, HNX-Index giảm 41,07 điểm (-12%) xuống 302,39 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 79,9% so với tuần trước đó với 84.217 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 92,9% lên 3.132 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 70,7% so với tuần trước đó với 8.289 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 93% lên 406 triệu cổ phiếu. Thị trường giảm điểm trong 3/5 phiên giao dịch với mức giảm rất mạnh từ 4,5% đến 4,8% vốn hóa và hồi phục nhẹ trong hai phiên giao dịch còn lại vào thứ 3 và thứ 4.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu có mức giảm mạnh nhất trong tuần qua với 16,6% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu thuộc ngành thép như: HPG (-14,1%), HSG (-18,3%), NKG (-20%)...; ngành hóa chất như DGC (-20,6%), DPM (-22,3%), DCM (-21,6%)... Tiếp theo là ngành dầu khí với 15,7% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu tiêu biểu như: OIL (-12,7%), BSR (-14%), PVD (-13,6%), PVS (-4,5%)... Các ngành công nghiệp (-13,1%), dịch vụ tiêu dùng (-11,6%), hàng tiêu dùng (-10,6%) đều có mức giảm mạnh trên 10% giá trị vốn hóa.

Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng cũng giảm rất mạnh với 12,1% giá trị vốn hóa khiến cho thị trường thiếu đi trụ đỡ quan trọng, có thể kể đến VCB (-8,1%), CTG (-11,5%), BID (-14,1%), VPB (-15,1%), MBB (-13,9%), TCB (-18,6%), VPB (-15,1%), ACB (-11,3%), SHB (-17,4%)... Các ngành còn lại đều giảm mạnh như tài chính (-8,3%), dược phẩm và y tế (-7,5%), công nghệ thông tin (-7,4%)...

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), phải hơn 10 năm trước (lần cuối là giai đoạn cuối năm 2011), thị trường mới lại có nhịp giảm 6 tuần liên tiếp. Với nhịp giảm này, VN-Index đã “bay” mất hơn 22% giá trị vốn hóa toàn thị trường, chỉ số VN30 cũng giảm hơn 21% số điểm trong 6 tuần qua. Sau 6 tuần giảm liên tiếp thì định giá của thị trường đã về mức rất hấp dẫn với P/E VN-Index khoảng gần 13 lần và P/E của VN30 là khoảng hơn 12 lần, đây đều là mức thấp hơn trung bình 5 năm gần nhất. Và nếu tính theo P/E Forward cho năm 2022 thì mức định giá trên sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, đây có thể coi là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn theo trường phái đầu tư giá trị.

Bên cạnh đó, nếu xét trên góc nhìn về phân tích kỹ thuật thì thị trường mà đại diện là chỉ số VN-Index dường như đang gần được target của sóng điều chỉnh a với target đầu tiên theo lý thuyết là ngưỡng 1.200 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng tăng 5). Tuy nhiên, nếu tình trở nên tiêu cực hơn thì VN-Index vẫn có thể lùi những ngưỡng hỗ trợ sâu hơn mà gần nhất là ngưỡng 1.100 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5).

“Trong tuần giao dịch này 16/5-20/5, bên mua và bên bán sẽ trở nên cân bằng nhau hơn do thị trường đã giảm về vùng target của sóng điều chỉnh a và cũng không loại trừ khả năng thị trường sẽ có tuần hồi phục sau sáu tuần giảm liên tiếp. Với việc kết hợp giữa định giá thị trường và góc nhìn kỹ thuật, vùng 1.000-1.200 điểm (fibonacci retracement 38,2%-61,8% sóng tăng 5) tương ứng với P/E VN-Index trong khoảng 11-13 lần sẽ là vùng hấp dẫn để giải ngân cho tầm nhìn dài hạn”, chuyên gia của SHS nhận định.

VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.160 – 1.180 điểm

Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường đang bị bán tháo quá đà, thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại, nhất là khi dòng tiền bắt đáy có dấu hiệu nhập cuộc tích cực hơn. Bên cạnh đó, thứ Năm (19/05) tuần này là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 5, và có thể xảy ra biến động mạnh vào ngày đáo hạn và gần đáo hạn.

“Trong phiên giao dịch hôm nay 16/5, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.160 – 1.180 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.120 – 1.140 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.

Trong khi đó, chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, trong kịch bản lạc quan, nếu chỉ số VN-Index lấy lại được mốc 1.200 điểm chỉ số sẽ có nhịp hồi phục kỹ thuật về vùng 1.260 – 1.280 điểm. Trong kịch bản cơ bản, khả năng chỉ số vẫn có thể giảm thêm một nhịp nữa mới hồi phục với vùng dao động rộng trong phạm vi cận dưới từ 1.125 -1.160 đến mức 1.180 – 1.200 điểm. Kịch bản thận trọng sẽ được kích hoạt trong trường hợp VN-Index điều chỉnh giảm xuyên vùng hỗ trợ 1.100 điểm khả năng sẽ rơi vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn xuống những vùng hỗ trợ thấp hơn từ 980 – 1.100 điểm tương đương vùng fibo61.8%-Fibo50%.

“Do mức biến động ngắn hạn vẫn khá khó lường, do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc duy trì trạng thái thận trọng, tỷ trọng tiền mặt ở mức cao, có thể xem xét giải ngân quanh các vùng hỗ trợ mạnh như 1.100 – 1.150 với tỷ lệ từ 10%-15% tài khoản. Ưu tiên các nhóm cổ phiếu đã giảm sâu và có tính cơ bản cũng như các nhóm cổ phiếu nhạy cảm với sự phục hồi của thị trường sau đợt giảm sâu như: dầu khí, điện, bảo hiểm, vật liệu xây dựng, thủy sản, logistics, du lịch, chứng khoán…”, chuyên gia của MBS khuyến nghị./.

Diệp Diệp/VOV.VN