VietinBank vẫn loay hoay với dự án trụ sở 10.000 tỷ tại Ciputra

Sau nhiều năm lỡ hẹn, đến nay, VietinBank vẫn chưa thể chốt xong số phận dự án xây dựng trụ sở mới VietinBank Tower tại khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội.

Đây là thông tin được VNDirect ghi nhận trong cuộc họp giữa ban lãnh đạo VietinBank và các chuyên viên phân tích diễn ra hồi giữa tháng 8.

Cụ thể, lãnh đạo ngân hàng cho biết đến nay, VietinBank vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác nước ngoài để chuyển nhượng dự án VietinBank Tower.

Đây là dự án trụ sở mới của ngân hàng được xây dựng với diện tích gần 30.000 m2, bao gồm 2 tòa nhà 48 và 68 tầng tại khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội. Theo kế hoạch ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 10.267 tỷ đồng, khởi công năm 2010 và hoàn thành năm 2014. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chậm tiến độ.

Đáng chú ý, chia sẻ tại phiên họp cổ đông hồi tháng 4 trước đó, lãnh đạo VietinBank cho biết đến hết quý I, đã có 29 nhà đầu tư quan tâm tới dự án trụ sở mới của ngân hàng, bao gồm 21 nhà đầu tư đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để tiếp cận hồ sơ và thẩm định dự án.

VietinBank muon mua lai cac ngan hang 0 dong anh 1

Dự án VietinBank Tower tại khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội đến nay vẫn là công trường dở dang. Ảnh: Sakiform

Đặc biệt, đã có ít nhất 2 nhà đầu tư đề xuất tài chính sơ bộ và một số nhà đầu tư khác với kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh trong quá trình thẩm định để sớm đưa ra đề xuất tài chính.

Tuy nhiên, đến nay, việc tái cơ cấu dự án trụ sở mới hơn 10.000 tỷ đồng này của VietinBank vẫn chưa ghi nhận tiến triển và ngân hàng đang tìm kiếm đối tác nước ngoài để chuyển nhượng dự án.

Ngoài ra, lãnh đạo VietinBank cũng cho biết ngân hàng đang có kế hoạch thoái vốn tại 3 công ty con bao gồm công ty cho thuê tài chính VietinBank Leasing; Công ty Chứng khoán VietinBank; và công ty quản lý quỹ VietinBank Capital.

Trong đó, HĐQT ngân hàng đã chấp thuận kế hoạch bán 50% vốn VietinBank Leasing, trong đó 49% cho đối tác Nhật - Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance - và 1% cho nhà đầu tư trong nước.

Hiện tại, hồ sơ của thương vụ thoái vốn này đang chờ NHNN phê duyệt và kỳ vọng hoàn thành trong năm nay.

Với Công ty Chứng khoán VietinBank, ngân hàng này có kế hoạch chuyển nhượng 25,6% vốn điều lệ trong tương lai (giảm sở hữu từ 75,6% xuống 50%), ngay khi ngân hàng tìm được đối tác.

Với VietinBank Capital, ngân hàng đang cân nhắc kế hoạch thoái vốn từ 950 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng tại đây.

Theo các chuyên gia, giá trị của các thương vụ thoái vốn này không đáng kể so với quy mô của VietinBank nhưng việc thoái vốn sẽ giúp ngân hàng tập trung nguồn lực và tăng tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh ngân hàng mẹ.

Cũng tại cuộc họp với các nhà đầu tư và chuyên viên phân tích, ban lãnh đạo VietinBank cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như giảm lãi suất cho vay 1-1,5 điểm % với các khoản vay hiện hữu hoặc cho vay mới. Đồng thời áp dụng chính sách ưu đãi thanh toán quốc tế, ưu đãi lãi suất cho vay đối với các khoản vay thanh toán trước hạn…

Tổng chi phí ước tính cho các chính sách hỗ trợ này vào khoảng 6.000 tỷ đồng đến hết năm nay.

Ngân hàng cũng dự kiến ghi nhận thu nhập từ phân phối bảo hiểm độc quyền vào nửa cuối năm hoặc quý đầu tiên năm 2022 khi Manulife hoàn tất các thủ tục pháp lý.

Về kết quả kinh doanh, dù kết quả quý II ghi nhận suy giảm do phải tăng mạnh trích lập dự phòng, VietinBank vẫn đạt hơn 27.000 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động sau 6 tháng, tăng 31% so với cùng kỳ và lãi trước thuế 10.850 tỷ, tăng 45%.

Mức lợi nhuận kể trên tương đương 65% kế hoạch lợi nhuận cả năm của riêng ngân hàng mẹ.

QUANG THẮNG