Truyền thông Anh: Muốn trở nên giàu có, Việt Nam phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực

Dòng chữ "Sản xuất tại Việt Nam" được in trên ngày càng nhiều sản phẩm bằng nhiều ngôn ngữ kể từ khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa và thúc đẩy khối kinh tế tư nhân vào cuối những năm 1980.
Truyền thông Anh: Muốn trở nên giàu có, Việt Nam phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực
Thử thách với Việt Nam trước mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

Kể từ năm 2000, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn bất cứ nước châu Á nào, trừ Trung Quốc, với mức trung bình 6,2%/năm. Việt Nam đã thu hút được lượng lớn tập đoàn nước ngoài.

Ngày 22/9, trang mạng The Economist (Anh) nhận định, Việt Nam đang hưởng lợi từ kỷ nguyên phi toàn cầu hóa, nhưng để đạt được mục tiêu trở thành nước giàu có vào năm 2045 vẫn sẽ là một thử thách lớn đối với Việt Nam.

Theo trang này, trong bối cảnh leo thang căng thẳng địa chính trị giữa các siêu cường, Covid-19 ở Trung Quốc và chi phí lao động gia tăng tại nước này, việc nhiều tập đoàn lớn đang chuyển dịch sang Việt Nam là điều dễ hiểu.

Các nhà cung cấp lớn nhất đang xây dựng các nhà máy lớn tại Việt Nam và có vẻ sẵn sàng gia nhập hàng ngũ các nhà tuyển dụng lớn nhất của Việt Nam.

Tất cả những điều đó có thể thúc đẩy Việt Nam tăng trưởng và giúp hàng triệu người Việt Nam trở nên giàu có hơn.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu GDP/người vượt quá 18.000 USD vào năm 2045, tăng so với mức 2.800 USD hiện nay. Việt Nam hy vọng sẽ làm được điều này một phần nhờ chuyển từ sản xuất hàng may mặc giá rẻ sang hàng điện tử cao cấp, đòi hỏi đầu tư và lao động có tay nghề cao.

Hiện tại, quốc gia Đông Nam Á có nhiều điều kiện thuận lợi. Lực lượng lao động của Việt Nam trẻ và năng động. Bên cạnh đó, nước này tích cực tham gia hàng chục hiệp định thương mại tự do, cho phép Hà Nội tiếp cận dễ dàng hơn với nhiều thị trường khác.

Ngoài ra, Việt Nam có khoảng 100 triệu dân và cũng có những điều kiện thuận lợi về mặt địa lý, chẳng hạn như hơn 3.000 km đường bờ biển.

Hơn nữa, Việt Nam nằm ở ngay sát sườn Trung Quốc. Nhờ đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng như xây đường mới, khu vực sản xuất thiết bị điện tử của Việt Nam chỉ cách Thâm Quyến - thủ đô công nghệ của Trung Quốc 12 giờ lái xe.

Tuy nhiên, The Economist nhận thấy, vẫn còn nhiều thách thức phía trước nếu các nhà máy của Việt Nam muốn tiến xa hơn trong chuỗi giá trị. Nền tảng sản xuất của Việt Nam vẫn còn khá “nông”.

Không chỉ thế, đầu tư nước ngoài cũng giúp ích cho Việt Nam, nhưng cần phải chờ đợi mới thấy được thành quả. Lực lượng lao động ở Việt Nam rất dồi dào, nhưng những nhà quản lý tài năng thì rất hiếm. Các kỹ thuật viên lành nghề cũng vậy.

The Economist cho hay, các chương trình đào tạo đại học và dạy nghề của Việt Nam cần được thúc đẩy hơn nữa. Nếu Việt Nam muốn trở nên giàu có, quốc gia này phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.