TP.HCM: Làm thế nào hạn chế cháy nổ vào mùa khô?

Theo EVN HCMC, vào những tháng mùa khô sắp tới nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao, dễ xảy xa nguy cơ cháy nổ. Cho nên, phía người tiêu dùng cần lưu ý những hướng dẫn của đơn vị chuyên môn, để có giải pháp sử dụng điện an toàn, hiệu quả.

EVN HCMC nêu giải pháp

Theo UBND TP.HCM, trong năm 2020, trên địa bàn Thành phố xảy ra 290 vụ cháy, trong đó có 11 vụ cháy lớn làm 12 người chết và 11 người bị thương. Các sự cố cháy nổ vẫn tập trung ở nhà ở đơn lẻ, nguyên nhân chủ yếu được xác định do sự cố hệ thống thiết bị điện. Do đó, việc triển khai thực hiện hiệu quả, nhanh chóng và chuyên sâu… các biện pháp phòng chống cháy nổ để giảm thiểu rủi ro luôn là vấn đề cấp thiết.

Ông Luân Quốc Hưng – Phó Tổng giám đốc EVN HCMC cho rằng, vào những tháng mùa khô sắp tới nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao, nên nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra dù nguyên nhân không hoàn toàn do sự cố điện.

Liên quan tới vấn đề này, tại buổi gặp mặt báo chí Quý I/2021 vừa được Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), ông Luân Quốc Hưng – Phó Tổng giám đốc EVN HCMC cho rằng, vào những tháng mùa khô sắp tới nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao, nên nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra dù nguyên nhân không hoàn toàn do sự cố điện.

Do vậy, phía EVN HCMC đã sớm đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ do sử dụng điện tại gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất. Cụ thể, EVN HCMC sẽ phối hợp, đề xuất với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá tình trạng sử dụng điện trong các nhà ở hộ gia đình thuộc các khu vực dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; nhà ở liền kề; các chung cư cũ…

Theo thống kê của EVNHCMC, tiêu thụ điện bình quân ngày của 15 ngày đầu tháng 3 lên tới 76,5 triệu kWh/ngày, cao hơn sản lượng cùng kỳ năm 2020 khoảng 0,3 triệu kWh/ngày.

Qua đó, đơn vị chuyên môn sẽ tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ tại các cụm khu vực. Đồng thời, EVN HCMC cũng sẽ phối hợp với các địa phương (phường, tổ dân phố, khu phố) tổ chức đào tạo tuyên truyền viên địa phương về sử dụng điện an toàn, phòng chống cháy nổ.

“Nếu như trước đây mỗi tháng kiểm tra hệ thống điện 1 lần, thì bây giờ chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra và đo nhiệt độ, đo điện áp, tiến hành sửa chữa, thay thế những thiết bị điện có nguy cơ hư hỏng. Chúng tôi cũng đã xây dựng hệ thống camera 24/7, có nghĩa là 6.000 công nhân viên của EVN HCMC khi phát hiện hệ thống điện ở vị trí nào có nguy cơ hư hỏng sẽ lập tức chụp hình gửi về trung tâm để kịp thời xử lý. Ngoài ra, chúng tôi cũng cho fly cam rà soát hệ thống điện trong phạm vi 10km đối với các cảng, khu công nghiệp”, ông Hưng nói.

Về phía các khách hàng, EVN HCMC cũng hướng dẫn người tiêu dùng nên thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa, thay thế dây dẫn, thiết bị điện bị hư hỏng. Đối với các thiết bị có công suất lớn được lắp đặt thêm như máy lạnh, máy nước nóng, bếp điện… thì phải lắp đặt thêm đường dây dẫn điện riêng để tránh quá tải hệ thống dây dẫn điện cũ.

Nên cài đặt ứng dụng để theo dõi lượng điện

Về tình hình cung cấp điện mùa khô, ông Hưng cho hay, EVNHCMC đã chỉ đạo các đơn vị thành viên nhanh chóng triển khai các giải pháp, kịch bản đã đề ra để bảo đảm cung cấp điện cho toàn thành phố. Trong đó, EVNHCMC đã tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành lưới điện trong mọi trường hợp; bổ sung 1 công trình lưới điện 220kV, 5 công trình lưới điện 110kV và 18 công trình lưới điện 22kV để chủ động nguồn điện đủ cung cấp cho thành phố, không cúp điện của người dân trong những ngày nắng nóng.

Song song đó, để giảm sự cố lưới điện, EVNHCMC yêu cầu các đơn vị tăng cường khai thác hiệu quả hệ thống đo đếm từ xa (MDIS), dashboard cảnh báo mất điện của Tổng công ty để phát hiện và xử lý nhanh những trường hợp mất điện trạm biến áp phân phối, cũng như nâng cao chất lượng cung cấp điện.

Cũng tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Tấn Hưng, Giám đốc Trung tâm chăm sóc Khách hàng EVNHCMC cho biết, thông lệ hằng năm, cứ đến mùa nắng nóng, số cuộc gọi của khách hàng đến tổng đài EVNHCMC thắc mắc chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi so với tháng bình thường, lên đến 10.000 cuộc mỗi ngày.

"Đến cao điểm nắng nóng, hóa đơn tiền điện càng tăng càng có nhiều thắc mắc, phản ánh của khách hàng liên quan đến chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện. Thông qua tổng đài này, những phải ánh của khách hàng sẽ được xử lý trong thời gian không quá 24 giờ"– ông Hưng cam kết.

Theo chia sẻ của ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVN HCMC, hiện tại tất cả công tơ điện lắp đặt đã được kiểm tra, kiểm định chất lượng. EVN HCMC cũng đã kết nối với các cơ quan chức năng địa phương để cung cấp thông tin cho khách hàng.

Bên cạnh đó, ông Kiên cũng khuyên khách hàng sử dụng điện nên cài đặt ứng dụng EVNHCMC CSKH để chủ động theo dõi lượng điện sinh hoạt của gia đình mình, đồng thời thực hiện các biện pháp tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả.

Theo thống kê của EVNHCMC, tiêu thụ điện bình quân ngày của 15 ngày đầu tháng 3 lên tới 76,5 triệu kWh/ngày, cao hơn sản lượng cùng kỳ năm 2020 khoảng 0,3 triệu kWh/ngày. Ước tính sản lượng điện bình quân ngày trong tháng này đạt 77,3 triệu kWh/ngày, tăng 1,97% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn ngày bình quân tiêu thụ của tháng 2- 2021 (tháng 2 tiêu thụ bình quân 56,8 triệu kWh/ngày).

Dự báo sản lượng điện nhận bình quân ngày của tháng 4,5,6 tiếp tục tăng cao, đạt từ 79,7 - 81,5 triệu kWh/ngày (tiêu thụ bình quân ngày của năm 2020 chỉ ở mức 73,14 triệu kWh/ngày, có ảnh hưởng giãn cách xã hội).