Tăng trưởng tín dụng ở TP.HCM vẫn chưa khả thi, chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân

Lãi suất huy động và lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh giảm dần nhưng tình hình tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM vẫn chưa có nhiều khả quan, dù thời điểm này nhu cầu tín dụng để "chạy KPI" năm 2023 của các doanh nghiệp đang rất lớn.

Vay 10 tỷ đồng để hoạt động sản xuất nhưng từ thời điểm trước dịch đến nay, Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính vẫn chưa được thông báo lần nào về việc giảm lãi suất với khoản vay.

"Kinh tế khó khăn, DN nhỏ như chúng tôi mong được hỗ trợ giảm lãi suất nhưng hình như việc giảm lãi suất chỉ diễn ra trên... tivi mà thôi", bà Nguyễn Thị Bính, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính, chia sẻ.

Tăng trưởng tín dụng ở TP.HCM vẫn chưa khả thi, chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân - Ảnh 1.

Sản xuất bún tại Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính. Ảnh: Quốc Hải

Sức hấp thụ vốn vẫn yếu

Không chỉ Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính, theo dữ liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống của TP.HCM giảm tới 5,8% so với cùng kỳ.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, tỏ ra lo lắng bởi lẽ trong 5 năm gần đây, chưa bao giờ ngành lương thực thực phẩm TP rơi vào tình trạng suy giảm như vậy, kể cả trong 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến các đơn hàng xuất khẩu giảm đáng kể, tiêu dùng nội địa cũng suy giảm, chưa kể trên thị trường ngành lương thực thực phẩm đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt.

Trong khi đó, chi phí sản xuất của các DN lại gia tăng đáng kể. Vì vậy, hầu hết các DN trong ngành ưu tiên tiết kiệm chi phí sản xuất, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lấy điểm hòa vốn để duy trì sản xuất.

"Rất ít DN có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay bởi chi phí lãi vay sẽ là áp lực lớn ở thời điểm này", bà Kim Chi nói.

Không chỉ ngành thực phẩm, ngành dệt may cũng đang gặp khó khăn không kém. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Dệt may Nhà Bè, tình hình đơn hàng hiện nay dù có nhưng khá nhỏ lẻ và dự báo tình hình này sẽ còn kéo dài.

"Ngành may mặc chắc phải 1 vài năm nữa mới phục hồi. Bời, hiện ngành may mặc ở nước ngoài cũng khó khăn, nên có đơn hàng họ cũng ưu tiên cho DN họ làm, hoặc đưa sang Pakistan, Ấn Độ... để làm vì giá thành rẻ hơn so với Việt Nam", ông Lâm chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan TP.HCM Phạm Văn Việt, cũng nhận định, tình hình xuất khẩu của các DN dệt may trên địa bàn vẫn chưa có nhiều cải thiện, do nhu cầu thị trường vẫn còn yếu ở hầu hết các thị trường nhập khẩu truyền thống của ngành dệt may. Dự báo tình hình khó khăn của các DN trong ngành có thể sẽ kéo dài đến hết năm 2024.

cac-dn-thuc-pham-dang-gap-kho-khan-vi-don-hang-xuat-khau-giam-tieu-dung-noi-dia-cung-khong-kha-quan-1693790359.png
Các DN thực phẩm đang gặp khó khăn vì đơn hàng xuất khẩu giảm, tiêu dùng nội địa cũng không khả quan. Ảnh: Phương Uyên

Theo ông Phạm Văn Việt, với tình hình thị trường còn nhiều khó khăn, không ít DN dệt may phải cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm, thậm chí có DN phải tạm ngưng sản xuất. Các DN còn hoạt động đến thời điểm này là đang cố gắng duy trì sản xuất chứ rất ít DN mở rộng đầu tư sản xuất. Do đó, nhu cầu tín dụng của các DN dệt may ở thời điểm này không cao.

Mặt khác, hiện mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm dần, tuy nhiên điều kiện cho vay của các ngân hàng thương mại hầu như không thay đổi.

"Trong bối cảnh khó khăn của thị trường tiêu thụ, dòng tiền luân chuyển chậm nên rất ít DN có thể đáp ứng điều kiện tín dụng của các ngân hàng. Việc tiếp cận vốn theo đó vẫn là bài toán khó với các DN có nhu cầu vay ở thời điểm này", ông Việt chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cũng khẳng định, nhiều DN muốn vay tiền kinh doanh, mở rộng sản xuất, nhưng do kinh tế khó khăn, họ chưa tìm thấy cơ hội làm ăn nên chưa mặn mà với vay vốn. Ngược lại, một số DN muốn vay nhưng thiếu tài sản đảm bảo, vướng nợ xấu, nên khó đáp ứng điều kiện tín dụng.

Giải pháp nào để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm?

Lý giải nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM "chững lại" thời gian qua, chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng của TP.HCM "chững lại" thời gian qua.

Thứ nhất, trong suốt thời gian vừa qua, tình hình trái phiếu doanh nghiệp làm cho hầu hết các DN gặp khó khăn nhất định, mà số đông là các DN bất động sản. Và cần phải biết rằng, khách hàng lớn của ngành ngân hàng là từ các DN bất động sản là chính.

"Chúng ta có thể vay 1 tỷ, 2 tỷ, hoặc vài chục tỷ đồng, trong khi các DN bất động sản thì thường vay tới vài trăm tỷ, thậm chí vài nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn như hiện nay, một số DN thậm chí còn phải nhờ tới sự chỉ đạo từ Chính phủ, thành lập tổ công tác để gỡ khó… Vì vậy, họ rất khó vay vốn để phát triển kinh doanh. Khi các DN bất động sản không vay vốn để phát triển kinh doanh được sẽ kéo theo sự trì trệ của hàng loạt ngành khác. Khi đó, tín dụng khó có thể tăng trưởng được", ông Phương phân tích.

nhu-cau-von-yeu-khien-tang-truong-tin-dung-tai-tphcm-cung-khong-kha-quan-trong-8-thang-dau-nam-2023-1693790401.jpg
Nhu cầu vốn yếu khiến tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM cũng không khả quan trong 8 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Quốc Hải

Nguyên nhân thứ hai, thời gian vừa qua nền kinh tế cũng trải qua giai đoạn khó khăn nên rất nhiều DN phá sản. Những DN còn lại thì cũng co cụm, không dám đẩy mạnh việc tái đầu tư, tái sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển… nên nhu cầu vay vốn không cao, dẫn đến tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng không cao.

Các chuyên gia của WB cũng nhấn mạnh, việc hỗ trợ bằng chính sách tài khóa nên được thực hiện song hành với việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng dư địa để nới lỏng thêm không còn nhiều.

Vì nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục ở mức thấp mặc dù lãi suất đã giảm, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đã đem lại hiệu ứng mong muốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Bên cạnh đó, cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá. Trong trung hạn, chính sách tài khóa có thể giúp nâng cao tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nguyên nhân cuối cùng, việc tiếp cận dòng vốn từ ngân hàng cũng đòi hỏi rất nhiều điều kiện, trong khi thời gian vừa qua, đa số các DN gặp khó khăn nên có thể chưa đáp ứng đủ các yêu cầu, các điều kiện để vay vốn ngân hàng. Điều này dẫn đến khả năng giải ngân để vay vốn mới sẽ thấp hơn những năm trước.

Với bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, định hướng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 khoảng 14-15% nhiều khả năng khó khả thi.

Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, không chỉ có chính sách tiền tệ nới lỏng mà cần kết hợp các chính sách hỗ trợ khác, đặc biệt là chính sách tài khóa.

Trong báo báo mới phát hành của Ngân hàng Thế giới (WB), các chuyên gia của WB cho rằng nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, do tổng cầu yếu đi và tăng trưởng giảm tốc xuống dưới mức tiềm năng đòi hỏi phải có những hỗ trợ chính sách chủ động.

Theo đó, WB khuyến nghị, chính sách tài khóa của Việt Nam cần đóng vai trò chủ đạo hơn trong thời gian tới, đảm bảo ngân sách đầu tư năm 2023 được triển khai tốt hơn rõ rệt, do dư địa tài khóa còn dồi dào. Bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư công, các chính sách nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng khi kinh tế chững lại thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đảm bảo an sinh xã hội cũng là cách để hỗ trợ cho tổng cầu...