Nối lại giao dịch lại sau 17 tháng, cổ phiếu 'bom nợ' Evergrande lao dốc gần 90%

Ngày 28/8, cổ phiếu tập đoàn bất động sản Trung Quốc China Evergrande đã giao dịch trở lại sau 17 tháng bị tạm ngưng trên thị trường chứng khoán Hong Kong. Tuy nhiên, cổ phiếu công ty có lúc đã lao dốc tới 87% ngay sau khi “tái xuất”.
noi-lai-giao-dich-lai-sau-17-thang-co-phieu-bom-no-evergrande-lao-doc-gan-90-1693222421.jpg
Cổ phiếu Evergrande "lao dốc không phanh" sau khi được giao dịch trở lại.

Theo tờ Securities Times, cổ phiếu China Evergrande đã giảm mạnh 86,67% ngay sau khi thị trường chứng khoán Hong Kong bắt đầu giao dịch lúc 9h sáng 28/8. Có thời điểm, cổ phiếu giảm xuống 0,22 HKD.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên sau 17 tháng, cổ phiếu của "gã khổng lồ" bất động sản một thời giảm tới 78,8% xuống mức 0,350 HKD. Tổng giá trị thị trường của công ty là 4.620 tỷ HKD (588,8 triệu USD).

Trước khi tạm dừng giao dịch vào ngày 21/3/2022, giá cổ phiếu của China Evergrande là 1,65 HKD/cổ phiếu, với giá trị thị trường là 21.787 tỷ HKD (2,78 tỷ USD).

Tính đến ngày 28/8, 3 công ty niêm yết H-share (cổ phiếu của các công ty được thành lập ở Trung Quốc đại lục được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong) của Evergrande đều đã hoạt động trở lại giao dịch. China Evergrande, công ty chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, là công ty cuối cùng trong số 3 công ty Evergrande tiếp tục giao dịch và cũng là công ty thu hút được nhiều sự chú ý nhất.

Theo quy định liên quan của Sở giao dịch chứng khoán Hong King, nếu đình chỉ giao dịch trong 18 tháng, công ty sẽ đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết. Việc nối lại giao dịch thành công đồng nghĩa với việc 3 công ty Evergrande thoát khỏi nguy cơ hủy niêm yết.

Trưa 28/8, China Evergrande thông báo trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong rằng công ty quyết định gia hạn thời gian trả nợ để các chủ nợ trong thỏa thuận của Evergrande xem xét, đánh giá các phương án cơ cấu lại nợ với công ty. Cuộc họp dàn xếp thỏa thuận giữa Evergrande với các chủ nợ sẽ được hoãn lại 29 ngày đến ngày 26/9.

Theo đó, Evergrande cần có sự chấp thuận của hơn 75% chủ sở hữu của từng loại nợ phê duyệt kế hoạch này, trong đó cung cấp cho các chủ nợ nhiều lựa chọn để hoán đổi nợ lấy trái phiếu mới và các công cụ liên kết với vốn chủ sở hữu được hỗ trợ bởi cổ phiếu của họ và của các công ty đơn vị được niêm yết tại Hong Kong.

Tối 27/8, một ngày trước khi nối lại giao dịch, China Evergrande cũng công bố báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023. China Evergrande cho biết, trong nửa đầu năm nay, công ty đã tích cực lên kế hoạch tiếp tục bán hàng và nắm bắt thành công "mùa xuân nhỏ" trên thị trường bất động sản xuất hiện vào đầu năm, đẩy hiệu suất bán hàng đạt được mức tăng tương đối lớn so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, China Evergrande đạt doanh thu 128,18 tỷ NDT, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp 9,8 tỷ NDT, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng lỗ ròng là 39,25 tỷ NDT.

Về nợ phải trả, tính đến cuối tháng 6 năm nay, tổng nợ phải trả của China Evergrande đã giảm từ 2.437,4 tỷ NDT vào cuối năm ngoái xuống còn 2.388,2 tỷ NDT, và nợ phải trả sau khi loại trừ các khoản trả trước nhà ở là 1.784,2 tỷ NDT. Trong số đó, 624,8 tỷ NDT là các khoản vay chịu lãi, 1.056,6 tỷ NDT là các khoản phải trả như vật liệu kỹ thuật và 102,9 tỷ NDT là các khoản nợ khác.

Trong một diễn biến liên quan, cũng trong tối 27/8, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã đưa ra một loạt tin tích cực, trong đó có việc tái cấp vốn cho các công ty niêm yết bất động sản bị phá sản hoặc thua lỗ. Động thái này có lợi cho việc cải thiện môi trường tài chính của ngành bất động sản, đồng thời giúp ngăn ngừa và giải quyết rủi ro thanh khoản hiện tại của các công ty bất động sản trong nước.