Nhiều giải pháp để tăng trưởng tín dụng

Việc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP HCM, 19 tỉnh phía Nam và Hà Nội được dự báo sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng năm nay.

NHNN đang khẩn trương sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 cho phù hợp với diễn biến thực tế, tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng.

nhieu-giai-phap-1630201460.png

Tín dụng của toàn hệ thống tăng gần 7% so với cuối năm trước.

Lãnh đạo Vụ chức năng NHNN cho biết tính đến thời điểm này tín dụng của toàn hệ thống tăng gần 7% so với cuối năm trước. Mặc dù vẫn được đánh giá mức tăng là tích cực trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng theo dự báo của giới chuyên môn, việc tiếp tục thực hiện giãn cách tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh phía Nam sang tới tháng 9 sẽ tác động không nhỏ đến tăng trưởng tín dụng.

Theo khảo sát mới nhất của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), bước sang quý III/2021, các NHTM thận trọng về tăng trưởng tín dụng trước diễn biến phức tạp dịch bệnh. Nhận định này trùng khớp với kết quả khảo sát được NHNN công bố trước đó, các TCTD dự báo dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,7% trong quý III/2021 và tăng 13,1% trong năm 2021, điều chỉnh giảm so với mức kỳ vọng 14,7% tại kỳ điều tra trước.

Tuy nhiên theo đánh giá của một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc giảm kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng cũng là điều không quá bất ngờ đối với thị trường trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Quả vậy, làn sóng dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt đã len lỏi vào nhiều khu công nghiệp lớn, khiến không ít nhiều nhà máy phải đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng. Nên dù quý III được xem là bắt đầu mùa cao điểm kinh doanh, nhưng nhu cầu tín dụng vẫn rất yếu do hoạt động sản xuất – kinh doanh – xuất khẩu bị ngưng trệ.

Theo các chuyên gia, kế hoạch vay vốn của các doanh nghiệp cũng như giải ngân vốn của ngân hàng trong thời gian tới nhiều hay ít, nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào việc sớm kiểm soát dịch bệnh.

Không phủ nhận, tăng trưởng tín dụng đối mặt khó khăn, nhưng giới chuyên môn cũng kỳ vọng, tín dụng bật tăng mạnh khi bước vào quý IV. "Tôi kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát trong tháng 9. Cùng với tiến độ tiêm vaccine được đẩy mạnh trên diện rộng, tín dụng có thể bứt tốc cùng mùa cao điểm trong quý IV. Qua đó, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 10-12% cho cả năm 2021", một chuyên gia ngân hàng nhận định.

Lạc quan hơn, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng các ngân hàng quy mô lớn với nền tảng khách hàng vững chắc đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng mạnh và đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng được phân bổ cho cả năm 2021. Tháng 7/2021 vừa qua, NHNN đã cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng này. Hiện tại vẫn có ngân hàng đang tiếp tục xin thêm room tín dụng cho quý IV do room cấp thêm đã dùng hết.

Các chuyên gia của MBKE dự báo rất có thể giống như năm 2020 NHNN sẽ nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng 2 lần. Trên cơ sở đó, MBKE dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ tăng lên mức 12,5% trong năm 2021 và 14% năm 2022.

Thực tế, nhận định trên không phải là không có cơ sở. Bởi hiện tại, các ngân hàng đang triển khai rất nhiều giải pháp để hỗ trợ cho khách hàng như mạnh tay cắt giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, tung các gói tín dụng ưu đãi với quy mô lớn.

Ông Lê Duy Hải - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp VietinBank cho biết, chia sẻ cùng doanh nghiệp, VietinBank đã dành 20.000 tỷ đồng tín dụng, lãi suất từ 4%/năm, thấp hơn mức trần cho vay lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ doanh nghiệp ở các địa phương đang thực hiện giãn cách. Các khoản giải ngân mới hay vay cũ cũng được giảm đến 1%/năm so với lãi suất thông thường.

"Gói tín dụng ưu đãi này được áp dụng cho các doanh nghiệp có trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại 19 tỉnh, thành phía Nam đang bị giãn cách hoạt động hoặc mục đích vay vốn thuộc các ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng như dệt may, da giày, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp", ông Lê Duy Hải thông tin thêm.

Từ góc độ cơ quan quản lý, NHNN đang khẩn trương sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 cho phù hợp với diễn biến thực tế, tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng.

Theo chia sẻ của ông Phạm Như Ánh - thành viên Ban điều hành MB, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng gượng để nuôi hàng trăm, hàng nghìn người lao động. Gia hạn nợ lúc này như máy trợ thở, giúp các doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ xấu, tiếp tục có dòng tiền cho sản xuất. Thực tế, hơn một nửa trong số 4.000 khách hàng được cơ cấu nợ tại MB đã có thể hoàn trả nợ gốc và lãi, còn lại cũng đang dần phục hồi trở lại. "Việc gia hạn là cần thiết vì dòng tiền không phù hợp với cơ cấu tính toán cho vay lần đầu theo phương án trả nợ gốc lãi, nên sẽ giúp khách quay vòng vốn, làm nào phù hợp với thời hạn đến hạn của khoản vay cũ và mới", ông Ánh nhìn nhận.

Tín hiệu tích cực nữa, theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp dịch bệnh đã dần thích nghi và có biện pháp tiếp cận tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế. Còn một số ngành bị ảnh hưởng nhẹ hơn sẽ sớm trỗi dậy sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Do vậy, Agribank vẫn hướng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu ở mức 8,5%.

Lãnh đạo Vụ chức năng cũng kỳ vọng, với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ phía ngành Ngân hàng, nhất là dịch bệnh kiểm soát tốt hơn, sang quý IV, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế.

Theo Thời báo Ngân hàng