Ngân hàng PVComBank: Nợ xấu tăng, dồn tiền vào bất động sản, trái phiếu

Trong quý II/2022, tổng nợ xấu nội bảng của PVComBank tăng gấp 2,1 lần so với hồi đầu năm lên mức hơn 3.031 tỷ đồng. Dẫu vậy, doanh nghiệp này đang đổ tiền vào bất động sản và trái phiếu, hai ngành kinh doanh vốn chịu nhiều biến động từ thị trường xấu.

Nợ xấu tăng mạnh

Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý II/2022, lợi nhuận thuần từ kinh doanh của ngân hàng tăng 114% so với cùng kỳ năm trước lên mức gần 396 tỷ đồng. Tuy nhiên, PVcomBank (Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam) phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro lên 334,7 tỷ đồng do nợ xấu tăng mạnh. Đồng thời thuế của ngân hàng trong 06 tháng đầu năm lên tới 17,5 tỷ đồng (cao gấp 3 lần cùng kỳ) nên lợi nhuận sau thuế còn lại chỉ đạt 43,3 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập lãi thuần của PVComBank trong 06 tháng đầu năm đạt mức 1.097,6 tỷ đồng tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

6710-1669016120-1200x0-1669790354.jpg
Nợ xấu PVComBank tăng mạnh

Lũy kế 06 tháng đầu năm, nhiều mảng hoạt động kinh doanh của PVComBank cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh như hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 327,6% lên mức 161,7 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng lần lượt 128,6% lên mức 363,6 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng nhẹ 5,3% đạt 197 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối của PVComBank ghi nhận lỗ hơn 51,6 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ gần 15,5 tỷ đồng); Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần giảm tới 75,3% xuống còn 6,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động kinh doanh của PVcomBank tính đến ngày 30/06/2022 lại âm tới 296,711 tỷ đồng; Dòng tiền doạnh động đầu tư âm 55,131 tỷ đồng; Tuy nhiên dòng tiền hoạt động tài chính lại dương 248,960 tỷ đồng trong 06 tháng đầu năm. Điều này khiến nhiều khách hàng và nhà đâu tư không khỏi nghi vấn về lợi nhuận của PVcomBank.

Đáng lo ngại, chất lượng cho vay khách hàng của PVComBank đang có dấu hiệu suy giảm khi tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng tính đến ngày 30/06/2022 là hơn 3.031 tỷ đồng, cao gấp 2,1 lần so với đầu năm. Trong đó, nợ cần chú ý (810,6 tỷ), 545 tỷ, nợ nghi ngờ (341, 6 tỷ). Đáng chú ý là Nợ nhóm 5 - Nợ có khả năng mất vốn cao tăng 38,2% lên mức 2.144,4 tỷ đồng, chiếm 70,7% tổng nợ xấu của PVComBank. Ngoài khoản hơn 3.031 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, PVComBank cũng đang sở hữu khoản nợ xấu hơn 7.500 tỷ đồng tại Công ty TNHH TMV Quản Lý Tài Sản Của Các TCTD Việt Nam (VAMC). Kết thúc quý II/2022, tổng tài sản của PVcomBank đạt 196.473 tỷ đồng, tăng 2,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 6,5% đạt 94.495,7 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng đạt 155.550 tỷ đồng, tăng 4%.

“Đánh cược” với chứng khoán và bất động sản

Cụ thể, theo BCTC, tính đến ngày 30/06/2022, PVComBank đầu tư vào chứng khoán nợ hơn 5.576,5 tỷ đồng cho các tổ chức kinh tế và tổ chức tín dụng chưa phát hành trong nước. Như vậy, dòng vốn vào trái phiếu tại PVComBank chiếm tới 62% vốn chủ sở hữu của ngân hàng và chiếm 2,8% tổng tài sản của ngân hàng này.

Tại ngày 30/09/2022, theo BCTC hợp nhất quý III/2022 của Công ty CP Tập Đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NovaLand Group; HOSE; NVL), PVComBank đã dành tới 3.175 tỷ đồng, chiếm tới 35,2% vốn chủ sở hữu ngân hàng để mua trái phiếu của NovaLand Group.

Trong đó, ở trái phiếu ngắn hạn, PVComBank - Chi nhánh Sài Gòn đã mua 3 gói trị giá 650 tỷ đồng, 450 tỷ đồng và 175 tỷ đồng, lãi suất dao động từ 11,75% tới 12,5%/năm. Ở trái phiếu dài hạn, PVComBank - Chi nhánh Sài Gòn có các gói 650 tỷ đồng, 250 tỷ đồng, PVComBank - Chi nhánh TP.HCM rót 1.000 tỷ đồng vào trái phiếu Novaland Group.

PVcombank là cũng một trong những ngân hàng đổ khá nhiều vốn vào bất động sản. Đáng chú ý, khi phân tích dư nợ cho vay theo ngành nghề thì dư nợ ngành bất động sản lên tới hơn 9,778 tỷ chiếm 10,3% dư nợ cho vay của ngân hàng. Một thông tin khác, tính cả năm 2021, tổng dư nợ cho vay ngành bất động sản mới chỉ 10,025 tỷ chiếm 11,3% tổng dư nợ. Như vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm dư nợ ngành bất động sản đã tăng vọt gần xấp xỉ bằng cả năm 2021.

Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam được thành lập ngày 16/09/2013 trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank). PVcomBank có cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (chiếm 52%) và cổ đông chiến lược Morgan Stanley (6,7%) các tổ chức và cá nhân khác (41,34%). PVcomBank đã phát triển tại 28 tỉnh, thành trên cả nước với gần 110 điểm giao dịch, đội ngũ gần 4.700 cán bộ nhân viên, tổng tài sản đạt gần 200.000 tỷ đồng.