Nga-phương Tây xích mích, Nhân dân tệ 'lên ngôi', Trung Quốc 'ngồi không' hưởng lợi?

Trên trang Japan Times, Giáo sư kinh tế Barry Eichengreen tại Đại học California (Mỹ) cho rằng, khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngân hàng trung ương của Nga, các nhà bình luận đã cảnh báo về những thay đổi sâu rộng trong trật tự tài chính và tiền tệ toàn cầu.
Nga-phương Tây xích mích, Nhân dân tệ 'lên ngôi', Trung Quốc 'ngồi không' hưởng lợi?
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng hiện diện tại Nga, giữa bão trừng phạt của phương Tây. (Nguồn: Bloomberg)

Các quốc gia khác sẽ coi những biện pháp trừng phạt đó là bước tiếp theo trong quá trình “vũ khí hóa” tài chính của phương Tây.

Lo sợ rằng một ngày nào đó họ cũng có thể bị trừng phạt, các chính phủ và ngân hàng trung ương sẽ giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, các ngân hàng Mỹ và Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).

Nhân dân tệ tăng hiện diện

GS. Barry Eichengreen nhận định, Trung Quốc sẽ là người hưởng lợi chính.

Cho đến nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tìm cách đứng ngoài cuộc xung đột giữa Nga và phương Tây. Quốc gia này sở hữu hệ thống ngân hàng lớn. Năm 2015, Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) được Trung Quốc thành lập để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ.

Năm 2022, khi đối diện với "bão" trừng phạt của phương Tây, Nga đã chấp nhận thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ cho 14% hàng xuất khẩu. Quỹ tài sản có chủ quyền của đất nước cũng nắm giữ các chứng khoán và tiền gửi bằng Nhân dân tệ trị giá 45 tỷ USD. Các công ty Nga đã phát hành trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ trị giá 7 tỷ USD vào năm ngoái.

Không chỉ thế, Moscow đã quyết định lưu trữ tất cả doanh thu thặng dư từ dầu khí vào năm 2023 bằng Nhân dân tệ, khi nước này ngày càng chuyển sang sử dụng đồng tiền Trung Quốc để dự trữ ngoại hối.

"Với hoàn cảnh của Nga, không có gì đáng ngạc nhiên khi điều này xảy ra. Nhưng liệu các quốc gia khác có đi theo hướng đó?" - GS. Barry Eichengreen đặt câu hỏi.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Saudi Arabia vào cuối năm ngoái, đã có thông tin cho rằng, Riyadh sẽ thanh toán cho hoạt động mua dầu bằng đồng Nhân dân tệ.

Gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng "ngỏ ý" với Pakistan, Argentina và Brazil trong việc thanh toán bằng đồng nội tệ của mình.

Tháng trước, Ngân hàng trung ương Iraq đã công bố kế hoạch cho phép thanh toán trực tiếp bằng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch với Trung Quốc.

Và mới đây nhất, ngày 29/3, Sàn giao dịch dầu mỏ và khí đốt tự nhiên Thượng Hải thông tin, Trung Quốc vừa hoàn tất giao dịch thanh toán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên bằng đồng Nhân dân tệ.

Cụ thể, gã khổng lồ dầu khí nhà nước Trung Quốc CNOOC và TotalEnergies đã hoàn thành giao dịch LNG đầu tiên trên sàn giao dịch với việc thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ.

Trung Quốc có sức hút tài chính hạn chế?

Tuy nhiên, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ dự trữ ngoại hối toàn cầu của đồng Nhân dân tệ vẫn chưa đến 3% trong tổng dự trữ toàn cầu. Hơn nữa, đồng nội tệ Trung Quốc chiếm chưa đến 2% giá trị của tất cả các hướng dẫn thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới được gửi qua SWIFT.

GS. Barry Eichengreen nhận định: "Chắc chắn là không phải tất cả các quốc gia đều báo cáo thành phần tiền tệ trong dự trữ ngoại hối. Và, thay vì sử dụng dịch vụ nhắn tin điện tử của SWIFT, các ngân hàng của họ rất có thể sắp xếp chuyển tiền xuyên biên giới thông qua các phương thức thay thế kiểu cũ như email, điện thoại và fax.

Nhưng, bất chấp những trường hợp đặc biệt như Nga, cũng có lý do để nghĩ rằng, Trung Quốc có sức hút tài chính hạn chế.

Mỹ từng khiếu nại rằng, Trung Quốc có thể đang giúp Nga cung cấp trang thiết bị cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Điều này làm tăng khả năng Bắc Kinh có thể trở thành đối tượng của các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Nếu điều đó xảy ra, sẽ có rất ít cơ hội thực hiện hoạt động kinh doanh xuyên biên giới thông qua các ngân hàng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới".

Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần thay đổi quan điểm đối với khu vực tư nhân. Theo GS. Barry Eichengreen, các biện pháp kiểm soát vốn của Bắc Kinh cung cấp các đòn bẩy để tạo ra những thay đổi như vậy.

Công nghệ sẽ định hình lại trật tự tài chính toàn cầu?

Vị Giáo sư này cho rằng, thay vì "đặt trứng vào một giỏ" là Trung Quốc, các quốc gia khác - ở châu Á và các nơi khác - đã tìm cách sử dụng đồng tiền của chính họ để thanh toán xuyên biên giới.

Đơn cử như tại Singapore và Thái Lan, hai đất nước này đã kết nối các hệ thống thanh toán nhanh - PayNow và PromptPay - cho phép khách hàng của các ngân hàng tham gia chuyển tiền giữa hai quốc gia chỉ bằng số điện thoại di động.

Tương tự, Ngân hàng Negara Malaysia và Ngân hàng trung ương Thái Lan đã mở rộng khuôn khổ thanh toán trực tiếp bằng đồng Ringgit-Baht để cho phép người dân hai nước thực hiện thanh toán trực tiếp thông qua các ngân hàng thương mại đủ điều kiện.

Không chỉ thế, trong năm 2022, năm ngân hàng trung ương Đông Nam Á là Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan và Philippines đã ký một thỏa thuận liên kết các hệ thống thanh toán nhanh, bỏ qua nhu cầu sử dụng đồng USD hoặc đồng Nhân dân tệ để chuyển tiền xuyên biên giới thông qua việc tích hợp hệ thống thanh toán bằng mã QR.

Tương tự, GS. Barry Eichengreen cho hay, về mặt dự trữ ngoại hối, đa dạng hóa khỏi đồng USD không có nghĩa là chuyển sang sử dụng đồng Nhân dân tệ, mà là đa dạng hóa sang nội tệ Hàn Quốc, Singapore, Thụy Điển, Na Uy và các loại tiền dự trữ phi truyền thống khác.

"Những xu hướng này không phản ánh địa chính trị nhiều bằng sự phát triển của công nghệ. Các hệ thống thanh toán như PayNow và PromptPay là các hệ thống kỹ thuật số, vì vậy, chúng dễ dàng liên kết với nhau, loại bỏ nhu cầu sử dụng đồng USD hay Nhân dân tệ khi chuyển tiền.

Đồng tiền của các quốc gia nhỏ hơn cũng trở nên dễ nắm giữ hơn và giao dịch rẻ hơn. Nhờ đó, những loại tiền tệ như vậy trở nên hấp dẫn hơn đối với các khoản thanh toán và như một hình thức dự trữ quốc tế.

Người ta cho rằng, địa chính trị sẽ định hình lại trật tự tài chính và tiền tệ toàn cầu theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Nhưng công nghệ có thể là tiếng nói cuối cùng. Và, nếu có, công nghệ có thể thay đổi trật tự tài chính và tiền tệ theo một cách rất khác", GS. Barry Eichengreen nêu quan điểm.