Giá vàng hôm nay 16/8: Niềm tin 'đội sổ', giá vàng tăng vọt, thị trường phớt lờ sự kiên nhẫn của Fed

Giá vàng thế giới hiện chỉ còn 19 USD là cán mốc 1.800 USD/ounce. Việc giá vàng tiếp tục tăng trong tuần tới đã được phần lớn nhà đầu tư và giới phân tích dự báo.
Giá vàng hôm nay 16/8
Trên sàn Kitco, giá vàng chốt phiên giao dịch cuối cùng tại 1.780,7 USD/ounce, tăng mạnh 25,7 USD sau nhiều phiên tăng cuối tuần.

Biến động giá vàng hôm nay 16/8

Chốt phiên cuối tuần trước, giá vàng thế giới đã tăng gần 26 USD, vọt lên 1.780,7 USD/ounce khi Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 8 giảm xuống 70,2, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2011, thấp hơn cả thời kỳ đỉnh dịch Covid-19 vào tháng 4/2020, chỉ số này do Đại học Michigan công bố vào thứ Sáu ngày 13/8.

Niềm tin người tiêu dùng "đội sổ" khiến Dollar Index giảm mạnh, đồng USD bị bán tháo và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm giảm nhanh, khiến nhu cầu kim loại quý tăng mạnh.

Thị trường hiện đang lo lắng về thông tin kinh tế Mỹ kém lạc quan và biến thể Delta đang lan rộng, khiến các thông tin mới về thay đổi chính sách tiền tệ dự kiến ​​có thể không còn được quan tâm như trước đây.

Tuần này, dự báo thị trường cũng sẽ có không ít biến động, khi một số dữ liệu vĩ mô quan trọng sẽ được công bố. Cụ thể, doanh số bán lẻ sẽ được công bố ngày 17/8, với dự báo thị trường sẽ giảm 0,3% trong tháng 7/2021. Cùng ngày, cũng diễn ra cuộc họp của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và và biên bản cuộc họp tháng 7 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ được công bố ngày 18/8.

Nếu dữ liệu thực của nền kinh tế Mỹ không được lạc quan như kỳ vọng, lạm phát Mỹ có thể đã lên đến đỉnh điểm khiến Fed không còn quá vội vàng để thay đổi chính sách tiền tệ, vàng sẽ có cơ hội chứng kiến ​​một đợt phục hồi khác.

Mặt khác, kể cả việc Chủ tịch Powell vẫn kiên trì với chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, mặc các thành viên Fed khác bắt đầu trở nên 'diều hâu' thì vẫn có những mối đe dọa tiềm tàng đối với tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả biến thể Delta ảnh hưởng đến ngành vận tải biển và nguồn cung hàng hóa.

Tại thị trường trong nước, cuối phiên giao dịch ngày 13/8 không có nhiều biến động tại phần lớn các hệ thống kinh doanh kim loại quý. Giá vàng SJC tại nhiều thương hiệu lớn không có sự tăng giảm ở cả hai chiều mua – bán so với giá đầu phiên buổi sáng. Với đà tăng giá trở lại của giá vàng thế giới, đến thời điểm này, chênh lệch với các thương hiệu vàng trong nước đã thu hẹp đáng kể, dù vẫn khá lớn - tới 6,4 triệu đồng.

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại hai chi nhánh Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh ở 56,40 - 57,1057,12.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 56,40 - 57,40 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,40 - 57,10 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji và Bảo tín Minh Châu, nhiều địa điểm kinh doanh vẫn nằm trong vùng giãn cách xã hội tại các khu vực có nguy cơ cao về lây nhiễm, giá vàng trên bảng điện tử vẫn không có sự thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,15 - 57,70 triệu đồng/lượng.

Riêng bảng giao dịch điện tử của Bảo tín Minh Châu vẫn đứng giá trong nhiều ngày nay. Thương hiệu Bảo tín Minh Châu giá vàng SJC vẫn niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.

Tiềm năng về một đợt tăng giá mới?

Giới phân tích đã bắt đầu nói về tiềm năng giá vàng lại có thể tạo ra một đợt tăng giá điều chỉnh, dựa trên số lượng sóng Elliott hiện tại. Nguyên lý sóng Elliott là một hình thức của phân tích kỹ thuật mà một số nhà đầu tư sử dụng để phân tích các chu kỳ thị trường tài chính và dự báo các xu hướng thị trường, bằng cách xác định các thái cực trong tâm lý nhà đầu tư, các mức cao và thấp trong giá và các yếu tố mang tính tập thể.

Theo Brian Lundin, chuyên gia của MarketWatch, "hợp đồng vàng tương lai đã trở nên" quá bán "sau khi giá sụt giảm mạnh vào thứ Sáu tuần trước nữa và thứ Hai tuần tuần vừa rồi. Sự phục hồi về giá từ đó cho đến nay "phần lớn là do nhà đầu tư nhận ra rằng, giá vàng giảm chỉ đơn giản là sự thao túng thị trường trong ngắn hạn của giới đầu cơ và không có phản ánh thực tế về cung/cầu đối với kim loại này".

Tuy nhiên, theo quan điểm của Brian Lundin "thị trường đang bị tác động bởi những lo ngại ngày càng tăng về biến thể delta và những tác động kinh tế từ sự lây lan của nó, bằng chứng là tâm lý người tiêu dùng giảm mạnh". Thị trường đang tồn tại quá nhiều yếu tố bất định đã góp phần củng cố quan điểm rằng, vàng đang được định giá quá thấp.

Không còn nghi ngờ gì nữa, giá vàng đáng ra phải biến động nhiều hơn chúng ta thấy trong những tháng gần đây do hai yếu tố đối lập nhau. Những bất ổn liên quan đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang xảy ra đồng thời với sự trở lại nguy hiểm của tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 do biến thể delta.

Thêm vào đó, sự không chắc chắn hiện tại về việc khi nào Fed sẽ bắt đầu điều chỉnh và quay trở lại với các chính sách thu hẹp nới lỏng tiền tệ trước đại dịch. Hiện tại, niềm tin phổ biến là lãi suất sẽ duy trì trong khoảng từ 0 đến 25 điểm cơ bản cho đến đầu năm 2023.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng, Fed sẽ bắt đầu điều chỉnh chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng vào đầu năm tới. Trong khi dự kiến sẽ không có nhiều thông tin về Hội nghị Chuyên đề Kinh tế Jackson Hole dự kiến bắt đầu vào ngày 26 tháng này. Tuy nhiên, nhiều người tin, các mốc thời gian thực sự cho việc bắt đầu cắt giảm sẽ hé lộ tại một trong hai cuộc họp FOMC còn lại trong năm nay.

Theo phân tích của Jeff Klearman, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại GraniteShares, hầu hết các động thái tăng cao hơn gần đây đối với vàng là do lo ngại lạm phát ngày càng tăng, trong khi Fed vẫn "duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ phù hợp với niềm tin rằng lạm phát cao hiện nay là chỉ nhất thời".

Phát biểu với MarketWatch, chuyên gia này cho rằng, "Lợi suất thực tế cực thấp và âm, phản ánh kỳ vọng về chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, hỗ trợ cho giá vàng vì chúng loại bỏ chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, trong khi tăng thuộc tính nơi "trú ẩn an toàn" của kim loại quý do khả năng tăng giá."

Không nghi ngờ gì nữa, đây là một trong những bài kiểm tra lớn nhất về khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau một đại dịch nghiêm trọng và tàn khốc. Chưa từng có thời điểm nào trong lịch sử mà các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới lại cung cấp một lượng vốn khổng lồ như vậy để hỗ trợ nền kinh tế của quốc gia. Chỉ có thời gian mới trả lời được hậu quả của việc tăng chi tiêu và nợ nần chồng chất lđối với nền kinh tế toàn cầu.

Tuần này, 62% chuyên gia và 57% nhà đầu tư tin giá vàng sẽ tăng, theo kết quả của cuộc khảo sát thị trường vàng hằng tuần của Kitco News.

MINH ANH