Doanh nghiệp bất động sản co cụm, nhân viên chán nản vì nhiều tháng bị nợ lương

Thị trường trầm lắng, nhiều môi giới bất động sản cố “gồng” chi tiền túi trả cho quảng cáo và các chi phí hàng ngày để “đi làm như mọi ngày”.

Cả tháng không chốt được hợp đồng nào

Tuy nhiên, dù đã chi khá nhiều nhưng hầu hết thông tin đăng tải rất ít nhà đầu tư hỏi tới. Nhiều môi giới cả tháng không bán được hàng hoặc lượng hàng chốt được không đáng kể.

Anh N. - Giám đốc một sàn giao dịch (xin giấu tên) có trụ sở tại Hà Đông, Hà Nội - chuyên bán đất nền dự án tại khu vực vùng ven Hà Nội cho biết, sau nhiều tháng không phát sinh giao dịch trong khi vẫn mất một khoản tiền quảng cáo, một số đội, nhóm của sàn đã tan rã, nhiều môi giới chủ động xin nghỉ việc hoặc xin tạm nghỉ chờ thị trường hồi phục quay lại làm việc.

chan-nan-1678180919.jpg
Không có giao dịch, nhiều môi giới chủ động xin nghỉ việc hoặc xin tạm nghỉ

Không riêng gì sàn trên, nhiều sàn môi giới phải giảm lương, cắt giảm nhân sự hoặc một nhân sự kiêm 2 đến 3 công việc để có thể sinh tồn. Thậm chí, có doanh nghiệp giảm đến 60-70% lượng nhân sự và co cụm, chuyển văn phòng tới vị trí nhỏ hơn nhằm giảm tối đa chi phí.

Tương tự, mới đây, anh Khu - nhân viên kinh doanh (phòng marketing) của một công ty bất động sản đang phát triển dự án tại TP Thủ Đức chia sẻ, đầu tháng 3 anh đã nộp đơn xin nghỉ việc, hiện không còn là nhân sự thuộc biên chế công ty. Cả phòng marketing từ hơn chục người nay còn lại duy nhất trưởng bộ phận và phải gánh phần việc của các bộ phận kiểm soát, pháp chế, đối ngoại, hậu mãi đang trống hàng loạt vị trí.

"Tháng 12/2022, công ty có khoảng 50% nhân sự bị đào thải nhưng đến đầu tháng 3 nếu cộng thêm số nhân viên mới chủ động xin nghỉ đã vọt lên trên 60% nguồn lao động", anh Khu cho hay.

Chia sẻ trên một diễn đàn BĐS, tài khoản có tên Nguyen Trung bày tỏ: “Tôi làm môi giới BĐS, hiện tôi đang thất nghiệp. Tôi thấy mình ở trong các bài viết gần đây báo chí nói, nhưng thực ra tôi cũng chỉ làm công ăn lương bình thường. Mấy ông hô hào nói “lúc được thì không ai kêu” có hiểu gì đâu. Khi thị trường BĐS đi lên thì chủ họ có tiền chứ chúng tôi cũng chỉ nhận lương hàng tháng bình thường thôi. Giờ thị trường ảm đạm, không có nguồn việc, tôi mất việc, nản thật sự”...

Tìm đủ đường xoay sở

Anh Lương Xuân Lâm - nhân viên của sàn trên cho biết, gần 6 tháng nay, nhóm của anh không có giao dịch ở phân khúc đất nền dự án vùng ven Hà Nội. Do đó, hiện anh chỉ theo một số sản phẩm khách “ngộp” tiền cần bán gấp, số còn lại anh tập trung bán căn hộ chung cư và nhà liền thổ trong nội thành.

thay-the-1678180970.jpg
Các công ty môi giới BĐS cũng như nhiều nhân viên của họ, nhiều người đã tự tìm công việc khác thay thế

Anh S. – Giám đốc của một sàn môi giới khác chia sẻ, phần lớn môi giới nghỉ việc ở thời điểm này thường là những môi giới trẻ, vào nghề theo trào lưu, chớp thời cơ bắt sóng, chạy theo đám đông. Họ chưa từng trải qua sóng gió của thị trường, không có tích lũy cả về tài chính và kinh nghiệm nên tự hoặc bị đào thải. Còn với những môi giới lâu năm trong nghề, trong giai đoạn khó khăn, họ vẫn tìm ra được ngách kiếm tiền trên thị trường để sống ổn.

Mới đây, báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa công bố cho thấy doanh nghiệp đã cắt giảm 3.191 nhân sự, trong đó, một công ty con thuộc mảng dịch vụ của tập đoàn sa thải 3.040 người.

Báo cáo ngành mới phát hành của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BSC) cho biết năm 2023 các công ty bất động sản buộc phải tái cấu trúc để tồn tại trong giai đoạn khó khăn. Đơn vị này dự báo, giai đoạn 2023-2024 vô cùng thử thách với thị trường địa ốc, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tái cấu trúc nợ vay, danh mục sản phẩm trong khi chờ đợi tháo gỡ nút thắt pháp lý.

BSC phân tích, tái cấu trúc nợ vay bao gồm thoái vốn một số dự án hoặc tối ưu hóa chi phí vận hành, từ bỏ các mảng kinh doanh kém hiệu quả, dẫn đến làn sóng cắt giảm nhân sự hàng loạt.

Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Ngọc Châu Á dự báo năm 2023 làn sóng cắt giảm nhân sự bất động sản vẫn tăng mạnh trong 6 tháng tới dù năm ngoái thực trạng đào thải nhân sự địa ốc đã lên cao nhất một thập kỷ.

Ông Hạnh nhận định, nhiều khả năng làn sóng nhảy việc của nhân sự bất động sản sẽ diễn ra vào quý II-III năm nay. Nhân sự nghỉ và nhảy việc phân thành 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm chuyển nghề khác, nhóm hai là những người tạm nghỉ chờ đợi qua giai đoạn khó khăn sẽ quay trở lại trong trung hoặc dài hạn. Nhóm ba khá hơn là nhân sự có năng lực, nghỉ việc công ty A để xê dịch sang công ty B có tính ổn định cao để tiếp tục hành nghề.

Theo ông, đợt giảm tốc của thị trường bất động sản lần này cũng là cơ hội sàng lọc cần thiết giúp nhân sự ngành địa ốc gạn đục khơi trong.

Theo Tuấn Kiệt (Tri thức & Cuộc sống)