Dẫn đầu danh sách nợ xấu NCB lợi nhuận chỉ còn “vỏn vẹn” 8 triệu đồng

Kết thúc năm 2022, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB – HOSE: NVB) về đích với lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng, việc kinh doanh chỉ đáp ứng một số tiêu chí nhỏ đã đặt ra. Không những thế, đáng lưu ý của NCB là việc mất kiểm soát về tỷ lệ nợ xấu khi ghi nhận tăng đến gần 6 lần đầu năm và chiếm đến 17,93% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng.
ncb-ngan-hang-dung-dau-ve-ty-le-tang-no-xau-trong-nam-2022-1677663049.jpeg
NCB – Ngân hàng đứng đầu về tỷ lệ tăng nợ xấu trong năm 2022.

Tỷ lệ nợ xấu tăng 584,8% trong năm 2022

Báo cáo tài chính hợp nhất của NCB cho thấy, cho vay khách hàng của nhà băng này trong năm 2022 đạt 47.722 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân trong nước 47.715 tỷ đồng chiếm đến 99,98% tổng lượng tiền cho vay. Phân tích chất lượng các khoản nợ cho vay cho ra những con số không mấy tích cực khi chỉ trong vòng 1 năm, nợ xấu (nợ từ nhóm 3 trở lên) tại NCB “phình to” đến con số bất ngờ là 584,3% (tăng gấp gần 6 lần so với đầu năm).

Theo đó, báo cáo ghi nhận cả 3 nhóm nợ (từ nhóm 3 - nhóm 5) đều tăng cao. Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của NCB tăng từ 603 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng (với tỷ lệ tăng 40% trong năm 2022). Ở nhóm nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4), kết thúc ngày 31/12/2022 ghi nhận riêng ở nhóm nợ này tăng lên 22,3 lần so với đầu năm (2.234%) khi chỉ từ 182 tỷ đồng vào ngày đầu năm 2022, cuối năm đã lên đến hơn 4.248 tỷ đồng. Ở nhóm nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) cũng ghi nhận tỷ lệ chuyển biến xấu kỷ lục ở mức hơn 6 lần (605%) chỉ trong năm 2022 từ 465 tỷ đồng vào đầu năm lên 3.281 tỷ đồng ngày cuối năm. Việc nợ xấu “phình to” đã dẫn tới NCB là ngân hàng đứng đầu trong 26 ngân hàng TMCP đã báo cáo có tỷ lệ nợ xấu. Và lượng nợ này chiếm đến 17,93% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

loi-nhuan-1677663113.jpg
Mục tiêu NCB đưa ra cho năm 2022

Về đích với lợi nhuận sau thuế chỉ có 8 triệu đồng

Với NCB, năm 2022 ngân hàng này đưa ra tổng tài sản phải đạt 78.178 tỷ đồng, huy động từ khách hàng là 65.551 tỷ đồng, cho vay khách hàng phải đạt 46.015 tỷ đồng, hay lợi nhuận trước phương án cơ cấu lại phải đạt là 608 tỷ đồng. Đồng thời việc kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3%...

Cụ thể về kết quả kinh doanh 2022 tại NCB cho thấy, điểm sáng của ngân hàng này trong năm qua là việc vượt ở chỉ tiêu tổng tài sản khi ghi nhận con số đến 89.947 tỷ đồng (tương đương vượt 15% kế hoạch đặt ra. Đồng thời, việc huy động từ khách hàng và cho vay khách hàng cũng vượt yêu cầu đặt ra lần lượt là 5,6% và 16%). Nhưng bên cạnh những tiêu chí đó, kết quả kinh doanh cũng không mấy khả quan khi ghi nhận chỉ ở tiêu chí hoạt động kinh doanh ngoại hối và thu nhập từ hoạt động khác mới mang về chỉ số dương cho ngân hàng này vào năm 2022 (lần lượt là 83,8 tỷ đồng và 23,8 tỷ đồng). Ở thu nhập lãi thuần, khoản mục mà thông thường sẽ mang lại nguồn thu lớn nhất cho các ngân hàng, thì năm 2022 chỉ mang lại cho NCB con số 931,8 tỷ đồng, giảm đến 26% so với năm trước đó. Các khoản mục hoạt động dịch vụ đến thu nhập từ chứng khoán đầu tư đều giảm lần lượt 7,5% và 53%. Cùng với đó là các khoản chi phí tăng lên làm cho tổng lợi nhuận trước thuế của NCB chỉ còn 1,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng. Đáng lo nhất của ngân hàng này là việc yếu kém trong kiểm soát nợ xấu khi mục tiêu trong ngưỡng 3% đã bị phá vỡ và tăng đến 17,93% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

bao-cao-1677663169.jpg
Một phần báo cáo tài chính hợp nhất của NCB

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân có địa chỉ trụ sở chính tại Số 28C-28D phố Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội.

Năm 1995, Ngân hàng TMCP Nam Việt tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Sông Kiên được thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 1,1 tỷ đồng, chính thức đi vào hoạt động vào ngày 2/11/1995.

Từ 2001-2006: Ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 2,6 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng. Đến ngày 18/05/2006 Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho chuyển đổi mô hình hoạt động thành Ngân hàng TMCP đô thị, đổi tên thành Ngân hàng TMCP Nam Việt.

Ngày 26/07/2007, ngân hàng này tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Và đến năm 2009, vốn điều lệ đã được tăng lên 1.820 tỷ đồng.

Ngày 13/09/2010, cổ phiếu của ngân hàng được niêm yết và giao dịch trên sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán NCB. Đến hiện tại số cổ phiếu niêm yết là 560.155.587 cổ phiếu và đang được lưu hành là 556.803.587 cổ phiếu.

Ngày 22/01/2014 được chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc dân như hiện nay. Sau nhiều lần tăng vốn, đến ngày 18/12/2019, vốn điều lệ của NCB đã đạt 4.101 tỷ đồng.