Covid-19 sáng 16/2: Gần 23.000 ca trong cộng đồng, ca mắc mới tại Hà Nam tăng cao, xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3

Hà Nam ghi nhận trên 1.500 ca mắc Covid-19 mới sau một tuần, xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3, Hà Nội chưa cho học sinh mầm non tới trường.

Trong 24 giờ (từ 16h ngày 14/2 đến 16h ngày 15/2), Việt Nam ghi nhận 31.814 ca nhiễm mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 31.787 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.384 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 22.870 ca trong cộng đồng).

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiêmk cho trẻ trước khi đến trường.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ trước khi đến trường. (Nguồn: SK&ĐS)

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.572.087 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 26.045 ca nhiễm).

Hà Nội chốt cho học sinh từ lớp 1- 6 ở 12 quận đi học từ 21/2

Ngày 15/2, Hà Nội ghi nhận 3.972 ca Covid-19, trong đó có 798 ca cộng đồng. Đây là ngày ghi nhận số ca bệnh Covid-19 cao nhất từ trước tới nay ở Thủ đô. Trong 2 tuần trở lại đây, số ca mỗi ngày được báo cáo giao động từ 2.700-3.500 ca.

Từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội có 179.217 ca Covid-19. Hiện toàn thành phố có gần 96.000 F0 đang điều trị, 95% trong số này theo dõi tại nhà.

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản số 432/UBND-KGVX về việc cho học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận trở lại trường học.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội thống nhất với tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc cho học sinh tiểu học và lớp 6 của 12 quận nội thành đi học trực tiếp từ ngày 21/2. Học sinh mầm non vẫn nghỉ tại nhà.

Học sinh sẽ học các ngày trong tuần theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Việc học trực tiếp chỉ tổ chức tại các địa bàn có mức độ dịch cấp độ 1, 2. Địa bàn cấp độ dịch 3, 4 học trực tuyến. Trường chỉ tổ chức dạy một buổi và không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống. Học sinh tự mang theo nước uống cá nhân.

Trước đó, Hà Nội đã cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị xã đã đi học từ ngày 10/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên toàn thành phố đi học trở lại từ ngày 8/2.

Hà Nam ghi nhận trên 1.500 ca mắc Covid-19 mới sau một tuần

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, trong ngày 15/2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 226 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Trong số đó có 194 F0 phát hiện qua sàng lọc y tế; 26 F0 ghi nhận tại khu vực phong tỏa, cách ly tại nhà và 6 F0 ghi nhận tại khu cách ly.

Lũy kế từ khi xuất hiện ca bệnh BN687.470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP. Phủ Lý vào chiều 19/9/2021 đến tối 15/2, Hà Nam ghi nhận 8.472 ca mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp mã.

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số ca F0 trên địa bàn tỉnh tăng mạnh. Chỉ tính riêng một tuần (từ ngày 9/2 đến 15/2), Hà Nam ghi nhận 1.508 ca mắc Covid-19 mới. Con số này cao gấp đôi so với những ngày trước Tết (mỗi ngày trung bình 100 F0).

Theo CDC Hà Nam, các lễ hội lớn đã được mở trở lại, giao thương buôn bán trở lại bình thường nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. Khi có các biểu hiện ho, sốt, rát họng, mất vị giác... người dân cần báo cho cán bộ y tế để được xét nghiệm tầm soát Covid-19.

Xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3

Ngày 15/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, gắn với từng bước phục hồi kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại cuộc họp, đại diện một số bộ, ngành đã tập trung thảo luận nội dung chi tiết, xây dựng phương án để có thể mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3, theo tinh thần khẩn trương nhất, thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch, gắn với từng bước phục hồi kinh tế - xã hội.

Theo đó, các biện pháp kiểm soát người đi lại được đưa ra khi dịch bùng phát từ năm 2020 đến nay, sẽ được dỡ bỏ, cùng với đó là những giải pháp kiểm soát dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt, thực hiện nghiêm thông điệp 5K mọi lúc, mọi nơi.

Cụ thể, về việc cấp thị thực nhập cảnh (visa), trước đó, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 và tùy theo diễn biến dịch tại các nước, Chính phủ đã có Nghị quyết ngừng cơ chế miễn visa này.

Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất, báo cáo Chính phủ cho phép, đến thời điểm ngày 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về xin cấp thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế và thực hiện như trước khi có dịch Covid-19, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.

Bên cạnh đó, thay vì đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm trước đó, khách quốc tế khi đến Việt Nam chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế.

Cụ thể, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nêu rõ: “Du khách quốc tế dưới 11 tuổi không bắt buộc phải tiêm vaccine phòng Covid-19, vì Việt Nam chưa áp dụng tiêm cho đối tượng này.

Khách quốc tế từ 12 tuổi trở lên phải được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine phòng Covid-19, mũi thứ 2 không quá 6 tháng hoặc có chứng nhận khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận”.

Đồng thời, khách quốc tế bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24 giờ đối với phương pháp xét nghiệm nhanh, 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR ). Với các nước có quy định khắt khe hơn sẽ áp dụng theo quy định của các nước này; đồng thời, cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian ở Việt Nam...

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sau hơn 2 năm phòng chống dịch Covid-19, ngành du lịch nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung, gặp rất nhiều khó khăn.

Trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, mỗi bộ, ngành phải khẩn trương, trách nhiệm trong thực hiện hiệu quả các giải pháp mở cửa lại hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch.

Sau cuộc họp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn kịp thời, chi tiết về việc mở cửa lại hoạt động du lịch, sớm có báo cáo Chính phủ.