Công ty Việt Nam kiện công ty sở hữu ứng dụng quốc tế: Cuộc chiến pháp lý về bản quyền chỉ mới bắt đầu

Với sự bùng nổ trong hoạt động khai thác nội dung trên nền tảng số, vấn đề bản quyền vẫn là những tranh cãi. Và khi một doanh nghiệp nội địa khởi kiện ứng dụng quốc tế, liệu thị trường có thể mong đợi gì giữa cuộc tranh chấp này?

Vụ việc "xưa nay hiếm"

Mới đây, nhà sản xuất Vie Channel đã tuyến bố khởi kiện doanh nghiệp sở hữu ứng dụng Spotify có trụ sở tại Thụy Điển.

Theo đó, đơn vị sản xuất chương trình giải trí là Rap Việt và Người ấy là ai cho rằng, ứng dụng Spotify đã xâm phạm bản quyền của họ nên đòi bồi thường hơn 9,5 tỷ đồng.

Trong đơn kiện đang được TAND TP.HCM xử lý, nhà sản xuất Vie Channel cho rằng Spotify đã dùng biện pháp kỹ thuật can thiệp vào bản ghi hình nhằm tách phần âm nhạc (với Rap Việt) và âm thanh (với Người ấy là ai?) rồi đưa lên hệ thống cho người dùng thưởng thức.

Dân sinh - Công ty Việt Nam kiện công ty sở hữu ứng dụng quốc tế: Cuộc chiến pháp lý về bản quyền chỉ mới bắt đầu

Vie Channel nhận thấy bản quyền âm nhạc, âm thanh của 2 chương trình Rap Việt, Người ấy là ai đã bị xâm phạm.

Được biết, vào ngày 11 và 13/8/2020, Vie Channel đã lập vi bằng về hành vi vi phạm của Spotify, tiến hành các bước khiếu nại theo hướng dẫn trên website của ứng dụng quốc tế này.

Cụ thể, trên ứng dụng Spotify xuất hiện nhiều bản ghi âm được cắt ra từ chương trình Rap Việt (vi phạm bản quyền 19 bài hát) và Người ấy là ai? (19 chương trình).

Các tài khoản sử dụng Spotify dù miễn phí hay tài khoản có thu phí của ứng dụng này đều có thể nghe được, trực tiếp xâm phạm đến bản quyền của Vie Channel.

Theo Vie Channel, một số bài hát của chương trình Rap Việt bị Sportify sử dụng trái phép như Chú bé loắt choắt, Bắc kim thang, Đây là Rap Việt, Dám hay không dám, Lớp 12, Đu đa đu đưa, Heo không cần, Người cha câm... đều là những phần biểu diễn ấn tượng, được đánh giá cao trong chương trình.

Sau đó, Vie Channel đã gửi thông báo vi phạm cho Spotify thông qua email và đường bưu điện đến trụ sở của công ty này tại Thụy Điển. Sang ngày hôm sau, Spotify AB đã phản hồi, xác nhận đã nhận được thông báo từ Vie Channel.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, đại diện Spotify Việt Nam tỏ ra bất ngờ. Người này cũng cho biết: “Về việc phản hồi, tất cả vấn đề của Spotify sẽ do bộ phận pháp lý toàn cầu chỉ định, ở quốc gia nào thì người đó sẽ trả lời. Sẽ có nhóm riêng để xử lý khủng hoảng”.

Cỗ máy kiếm tiền nhờ âm nhạc

Được biết, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Spotify gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 3/2018 sau 20 năm ra đời năm.

Cùng với Apple Music (tham gia từ tháng 7/2015), Spotify đang đối đầu với 2 doanh nghiệp lớn của nội địa là Zing MP3 và Nhaccuatui trong cuộc chiến giành lấy trái tim của người yêu nhạc và ngân sách của nhà quảng cáo.

Mỗi dịch vụ mang đến nhiều sự tiện lợi cho người dùng, cùng mức phí sử dụng khác nhau. Trong khi cả Zing MP3 và Nhaccuatui đều cung cấp gói miễn phí để người dùng thưởng thức nhạc ở chất lượng thường (thông thường là 128 Kbps) và thậm chí tải về nghe offline đối với một số lượng không nhỏ bản nhạc, thì Apple Music và Spotify lại có những hạn chế về khả năng này.

Đối với Apple Music, công ty cho phép người dùng sử dụng thử dịch vụ miễn phí lên đến 3 tháng đầy đủ chức năng trước khi chuyển sang gói trả phí.

Còn Spotify cho phép người dùng thưởng thức nhạc streaming miễn phí, kèm quảng cáo và không cho tải về. Mức phí của Apple Music và Spotify là ngang nhau (10 USD/tháng), tức là cao hơn Zing MP3 và Nhaccuatui (30.000đ/tháng).

Dân sinh - Công ty Việt Nam kiện công ty sở hữu ứng dụng quốc tế: Cuộc chiến pháp lý về bản quyền chỉ mới bắt đầu (Hình 2).

Vừa thu phí vừa bán quảng cáo là cách hoạt động của dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Spotify.

Theo tiết lộ của một số người làm trong nghề, các dịch vụ nghe nhạc đang cố gắng khai thác tối đa thông tin, thói quen của người dùng để bán quảng cáo.

Cụ thể, các thuật toán sẽ liên tục phân tích dữ liệu về độ tuổi, giới tính, sở thích, thói quen và lựa chọn theo trạng thái, thời điểm nhằm đề xuất cho người nghe nhạc những playlist phù hợp với tâm trạng hay hoạt động đang diễn ra.

Phương pháp tiếp cận theo khoảnh khắc như lãnh đạo Spotify nói trong buổi họp báo ra mắt thị trường Việt Nam có thể được hiểu như sự phù hợp với những thương hiệu muốn tập trung vào cơ hội tiêu dùng mang tính thời điểm.

Chẳng hạn như các sản phẩm nước giải khát, tăng lực hướng đến những người dùng đam mê tập luyện thể thao thông qua các playlist âm nhạc của người dùng.

Tranh chấp bản quyền nội dung số: Cuộc chiến còn dài

Vụ kiện giữa Vie Channel và Spotify khá tương đồng với tranh chấp của POPS Worldwide và Funtoon vừa qua. Vào tháng 7/2020, khi nhận thấy ứng dụng đọc truyện tranh là Funtoon đang sử dụng nhiều nội dung do mình nắm giữ bản quyền, POPS Worldwide đã liên hệ đối phương để giải quyết.

Không tìm được tiếng nói chung, POPS Worldwide gửi khiếu nại đến Google Play (Google) và App Store (Apple). Đến ngày 14/9, Google đã xoá Funtoon khỏi hệ thống. Ngay ngày hôm sau, App Store cũng thực hiện biện pháp tương tự.

Bà Như Hoài, Trưởng phòng Pháp chế POPS cho biết, lĩnh vực giải trí kỹ thuật số hiện đang rất phát triển, dẫn đến câu chuyện bản quyền của nội dung số cũng trở nên phức tạp. Tuy nhiên, tất cả đều đã được quy định bằng những văn bản rất cụ thể. Đáng tiếc, vấn đề này chưa thực sự được quan tâm và chú trọng một cách thoả đáng.

“Hiểu được đặc thù của thị trường, POPS luôn chủ động và thiện chí gặp gỡ các bên liên quan đề đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Tuy nhiên, nếu không nhận được sự hợp tác từ các bên liên quan, chúng tôi sẽ phải có động thái cứng rắn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, cũng như góp phần nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền nói chung”, bà Hoài nói.

Link bài: https://www.nguoiduatin.vn/cong-ty-viet-nam-kien-cong-ty-so-huu-ung-dung-quoc-te-cuoc-chien-phap-ly-ve-ban-quyen-chi-moi-bat-dau-a490516.html