Chứng khoán Trung Quốc bị ‘thổi bay’ hơn 6.000 tỷ USD kể từ đỉnh năm 2021

Vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc đã “bay hơi” hơn 6.000 tỷ USD kể từ mức đỉnh năm 2021, và làn sóng bán tháo ngày càng trở nên tồi tệ hơn, theo Fortune.

Niềm tin suy giảm

Mới đây, Tokyo đã vượt qua Thượng Hải để trở thành thị trường chứng khoán có tổng mức vốn hóa lớn nhất châu Á. Sự sụt giảm cổ phiếu của Trung Quốc đang ảnh hưởng nặng nề tới ngành quản lý tài sản của quốc gia, đẩy việc đóng cửa các quỹ tương hỗ lên mức cao nhất trong 5 năm.

Khủng hoảng thị trường bất động sản là một trong những yếu tố tác động mạnh tới chứng khoán Trung Quốc.

Chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc Hang Seng (HSCEI), phản ánh hiệu suất tổng thể cổ phiếu của các công ty ở Trung Quốc đại lục niêm yết ở Hồng Kông, đã giảm 11% trong những ngày đầu năm 2024.

Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China Index, theo dõi các công ty Trung Quốc hoặc có mối liên hệ với Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, giảm tới 2,2% khi bắt đầu phiên giao dịch tại Mỹ ngày 19/1, kéo dài mức lỗ sang ngày thứ năm liên tiếp.

Tổng cộng, khoảng 6,3 nghìn tỷ USD giá trị thị trường của chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đã bị xóa sổ kể từ mức đỉnh đạt được vào năm 2021. Điều này làm nổi bật thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt khi tìm cách ngăn chặn sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư.

Các nhà chức trách đã loại trừ việc sử dụng các biện pháp kích thích lớn để vực dậy nền kinh tế đang phục hồi chậm, khiến các nhà giao dịch băn khoăn khi nào mọi thứ sẽ được cải thiện.

Ông John Lin, giám đốc đầu tư cổ phiếu Trung Quốc của AllianceBernstein, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 17/1 với Bloomberg: “Những gì chúng ta đang thấy trong năm nay thực sự là sự tiếp nối của những gì chúng ta đã thấy năm ngoái. Những chính sách kích thích cho đến nay vẫn chưa thể xoay chuyển được các vấn đề nổi cộm của nền kinh tế Trung Quốc, ví như lĩnh vực bất động sản.”

"Trò chơi chờ đợi"

Chỉ số HSCEI đã giảm hơn 6% trong tuần trước và đang trên đà ghi nhận thành tích tháng 1 tồi tệ nhất trong 8 năm. Ở đại lục, chỉ số CSI 300, theo dõi hiệu suất của 300 cổ phiếu vốn hóa lớn ở Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, đã giảm 9/10 tuần qua.

Chỉ số HSCEI đã giảm hơn 6% trong tuần trước.

Theo các chuyên gia, những cơn gió ngược đang tác động lên thị trường có thể kể tới như khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc, áp lực giảm phát đang gia tăng và chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington vẫn chưa có dấu hiệu sớm dừng lại.

Theo khảo sát mới nhất của Bank of America, các nhà quản lý quỹ châu Á đã cắt giảm 12 điểm phần trăm phân bổ của họ sang Trung Quốc xuống còn 20%, mức thấp nhất trong hơn một năm.

Theo phân tích của Morgan Stanley, các nhà quản lý quỹ đã bán ròng 300 triệu USD cổ phiếu giao dịch ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông trong tháng này. Đó là sự đảo ngược so với nửa cuối năm 2023, khi họ mua ròng 700 triệu USD ngay cả khi chỉ số chứng khoán sụt giảm.

Những nỗ lực trấn an của Bắc Kinh đã vấp phải sự hoài nghi từ các nhà đầu tư mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thực hiện các bước vào tháng trước để bơm tiền vào hệ thống tài chính.

Ông Mark Matthews, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại Bank Julius Baer & Co., cho biết: “Đầu tư vào Trung Quốc là một trò chơi chờ đợi và chúng tôi tiếp tục chờ đợi”.