Cần cơ chế thu hút đầu tư vào dệt, nhuộm hỗ trợ ngành dệt may xuất khẩu

Quy tắc xuất xứ từ sợi, vải trở đi là khâu yếu của ngành dệt may Việt Nam bởi chúng ta đang phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu...

can-co-che-1663152572.jpg

Đứng trước "bài toán khó" về nguồn nguyên liệu, một số DN Việt Nam cũng đang đầu tư nghiên cứu phát triển nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất - Ảnh: Vinatex

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, 7 tháng năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) dệt may khá thuận lợi khi các DN đều có đơn hàng dồi dào, lực lượng lao động dần ổn định, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 26,55 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, các DN dệt may Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các nước có kinh nghiệm xuất khẩu dệt may lớn vào thị trường các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EU như: Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ…

Phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu

Lý giải nguyên nhân này, VITAS cho biết, quy tắc xuất xứ từ sợi, vải trở đi là khâu yếu của dệt may Việt Nam bởi chúng ta đang phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu.

Theo VITAS, trong 7 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 15,48 tỷ USD, tăng 7,9%. Như vậy, trung bình mỗi tháng, Việt Nam phải chi hơn 2 tỷ USD để nhập nguyên liệu, bao gồm: Bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu cho các ngành dệt, may, da, giày… chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Giá nguyên phụ liệu dệt may đang tăng nhanh do giá dầu thô, giá xăng dầu biến động khiến chi phí vận tải cao…

Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu cũng ngày càng đưa ra thêm nhiều tiêu chí cho sản phẩm. Đơn cử như, mới đây Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết: Hiện nay, cả EU và các nước Bắc Âu khác như Na Uy và Iceland đều yêu cầu ngành dệt may cần phát triển theo hướng bền vững và tuần hoàn hơn nữa.

Các nước này đưa ra yêu cầu khắt khe hơn đối với sợi tự nhiên và sợi tổng hợp, sợi dệt phải là sợi hữu cơ, tái chế hoặc có nguồn gốc sinh học. Bông được sử dụng trong quần áo dán nhãn sinh thái Bắc Âu không làm được từ sản phẩm biến đổi gene (GMO) và phải là 100% hữu cơ hoặc tái chế. Độ bền và chất lượng cao hơn, vải dệt phải được thử nghiệm để bảo đảm các tiêu chí mới về độ bền như độ mài mòn, độ phai màu, độ giãn đứt, độ bền đường may.

Đứng trước "bài toán khó" về nguồn nguyên liệu, một số DN Việt Nam cũng đang đầu tư nghiên cứu phát triển nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn cao.

Cần cơ chế thu hút đầu tư vào dệt, nhuộm

Trước thực trạng trên, VITAS đã kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung; có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm, giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do.

Trong dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Bộ Công Thương đề ra một số giải pháp về đổi mới công nghệ, nhất là với dệt, nhuộm hoàn tất nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, lấp dần nguồn cung thiếu hụt.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần bảo đảm các vấn đề sau: Các khu công nghiệp tập trung sản xuất nguyên phụ liệu phải có đường giao thông thuận lợi, đồng thời gắn với hệ thống cảng biển; tạo liên kết chuỗi trong dệt nhuộm gắn với các nhà máy may trong khu vực, từ đó giảm thiểu chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm; cần có cơ chế về tài chính, ưu đãi thuế cho các DN đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải.

Trong chính sách, đặc biệt là chiến lược phát triển ngành cũng cần phân rõ các vùng, địa phương trọng tâm trong quy hoạch các khu công nghiệp, các nhà máy xử lý nước thải để kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào phần cung thiếu hụt…

PT