Bộ trưởng KH&ĐT: ‘Không thể một lần nữa đứng ngoài hoặc đi sau’

“Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị chiều 8/1.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới, nhanh chóng theo hướng tích cực, theo kịp xu thế thời đại. - Ảnh: MPI


Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, bước vào thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020 với rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ đã phát huy vai trò tiên phong, đi đầu trong cải cách và đổi mới, tham mưu nhiều chính sách then chốt để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ với 11 nhiệm vụ nổi bật.

“Với tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, tư duy phát triển mang tính đột phá, táo bạo, có tầm nhìn dài hạn và chiến lược, vượt qua những lợi ích cục bộ, vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước, Bộ góp phần xây dựng niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhận định.

Cùng với công tác chuyên môn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng luôn quan tâm đến các vấn đề xã hội thông qua các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động xã hội đã góp phần bồi đắp, phát huy nét văn hóa, nhân văn của những người tham gia hoạch định, tham mưu chính sách, góp phần thực hiện tốt hơn sứ mệnh kiến tạo môi trường mà mọi người dân có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Về năm 2021, Bộ trưởng nhận định bối cảnh thế giới và trong nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, được khái quát trong 5 vấn đề chủ yếu.

Trước hết, bối cảnh thế giới còn nhiều bất định do tác động của đại dịch COVID-19. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia dự báo sẽ ngày càng gay gắt. Nhiều quốc gia đang có mức thâm hụt ngân sách và nợ công cao, làm gia tăng rủi ro, có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính, nợ công trong tương lai.

Cũng theo Bộ trưởng, thế và lực của nước ta mặc dù đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu. Nền kinh tế vẫn còn những nút thắt trong quá trình phát triển, chưa thực sự được giải quyết, khơi thông. Năng lực cạnh tranh về cơ bản vẫn ở mức trung bình trên thế giới, nhất là những tiêu chí quan trọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Cạnh tranh giữa các đô thị ngày càng lớn, nhất là trong việc trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… Các vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển, như già hoá dân số, chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển, những vấn đề của đô thị hoá, khai thác, sử dụng hiệu quả bền vững nguồn tài nguyên.

Những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường và tài nguyên ngày càng tăng lên, nhất là trong bối cảnh Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức luôn đi kèm với những cơ hội rộng mở. Bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu COVID-19”, 13 Hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự dịch chuyển của dòng thương mại và đầu tư quốc tế, thời kỳ dân số vàng… cũng đang tạo ra thời cơ lớn để chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.

“Do đó, chúng ta nhất thiết phải hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất”, Bộ trưởng nói và yêu cầu trong năm 2021 và những năm tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung thực hiện 06 nhiệm vụ chủ yếu.

Trước hết, cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới, nhanh chóng theo hướng tích cực, theo kịp xu thế thời đại. Phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang chủ yếu phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm). Có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Qua đại dịch COVID-19 đã cho ta bài học sâu sắc, cần nhận thấy rằng đây vừa là khó khăn nhưng cũng mang đến cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để bứt phá và trỗi dậy khi các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc.

“Từ đó, phải có các quyết sách đúng đắn và kịp thời, vì thời gian luôn là vàng và cũng là kẻ thù của chúng ta. Muốn đi nhanh, cần phải chọn được con đường đi đúng. Mọi chính sách phải xoay quanh hoặc hướng tới hạnh phúc của người dân vì người dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu để hướng tới. Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với tư cách là một cơ quan "tổng tham mưu trưởng", Bộ phải kiên trì, tiên phong và đẩy nhanh việc cải cách, nghiên cứu định hướng chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nâng cao sức cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo… Tranh thủ tận dụng nguồn lực con người để phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn dân số vàng, trước khi chuyển sang giai đoạn già hóa dân số.

Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát triển kinh tế biển, đô thị lớn; tăng cường liên kết vùng; xây dựng nông thôn mới.

“Đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xây dựng các công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng tạo sự lan tỏa lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Bộ trưởng nói.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ. “Việt Nam đang có trong tay cơ hội “có một không hai” để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đó là “thời kỳ dân số vàng”. Phải tận dụng nhanh nhất cơ hội này cho phát triển, vì nếu không ta sẽ phải đối mặt với xu hướng già hóa dân số và thực trạng già trước khi giàu”, Bộ trưởng nói.

Cuối cùng, ngoài công tác chuyên môn, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các vấn đề xã hội, tích cực thực hiện các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng để vừa duy trì được truyền thống nhân văn của con người ngành kế hoạch đầu tư, vừa thấu hiểu hơn các đối tượng chính sách, gần gũi hơn với nhân dân, từ đó bảo đảm được sự hiệu quả, công bằng trong thiết kế, xây dựng và thực thi chính sách.

Hà Chính