Bộ Công Thương nêu giải pháp chấm dứt tình trạng thiếu xăng dầu

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường, đồng thời kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.

Chi phí kinh doanh xăng dầu dự kiến sẽ được điều chỉnh tiếp vào kỳ điều hành ngày 21/11. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ngày 15/11, tại buổi họp giao ban báo chí Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải có báo cáo thông tin về tình hình thị trường xăng dầu trong nước, đưa ra một số giải pháp của bộ trong thời gian tới.

Theo đó, cơ quan này cho rằng thời gian tới tình hình thế giới dự báo còn nhiều phức tạp, khó lường, nguồn cung xăng dầu sẽ còn tiếp tục khó khăn, do đó Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp đã được Thủ tướng chỉ đạo tại công điện mới đây.

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, bộ sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng, cơ quan điều hành sẽ rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường, hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và thực hiện ngay để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11.

thieu xang anh 1

Một số cây xăng tại TP.HCM và Hà Nội vẫn đóng cửa vì hết xăng dầu. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đặt mua theo hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng tại các khu vực thiếu cục bộ...

Cập nhật thêm về tình hình sản xuất và phân phối xăng dầu thị trường trong nước, Bộ Công Thương đánh giá Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20-30% lượng xăng dầu thành phẩm và nhập nguyên liệu dầu thô phục vụ hoạt động sản xuất tại các nhà máy lọc dầu do đó thị trường xăng dầu Việt Nam chịu ảnh hưởng, phụ thuộc lớn vào thị trường xăng dầu thế giới.

Hơn nữa, nguồn sản xuất từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước 10 tháng đầu năm chưa đảm bảo theo kế hoạch năm đặt ra.

Dù hai nhà máy đã sản xuất vượt công suất, Bình Sơn gần đây sản xuất vượt 112% nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch. Như vậy, còn thiếu 170.000 m3/tấn xăng, dầu các loại (10 tháng đầu năm, nguồn sản xuất trong nước từ 2 nhà máy đạt 9,7 triệu m3/tấn, trong khi kế hoạch đăng ký 10 tháng đầu năm là 9,87 triệu m3/tấn).

Ngoài ra, Bộ Công Thương cho rằng nguyên nhân thiếu xăng dầu còn do nhu cầu xăng dầu trong nước tăng khá cao so với dự kiến; doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, thu hẹp kinh doanh; tỷ giá USD/VND tăng cao; mưa bão; chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được rà soát, điều chỉnh tăng và tính đúng, đủ; nhiều doanh nghiệp bị tước giấy phép nhập khẩu...

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế