Bất động sản mới nhất: Doanh nghiệp ‘khốn đốn’; có thể coi đây là cuộc chơi thanh lọc; cưỡng chế thuế chủ đầu tư dự án ‘ngâm’ đất

Lý do TPHCM vỡ kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch, thúc đẩy phát triển đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, cưỡng chế thuế chủ đầu tư 2 dự án chậm tiến độ… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất. Phú Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Xây dựng, ngày 10/3. (Nguồn: VGP)
Bất động sản mới nhất: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, đối tượng yếu thế, phù hợp với thông lệ quốc tế. (Nguồn: VGP)

Thúc đẩy phát triển đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Sáng 10/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nghe Bộ Xây dựng báo cáo về Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (Đề án).

Sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo về một số nội dung quan trọng của Đề án, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người dân. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định về "quyền có nơi ở hợp pháp", "quyền sở hữu về nhà ở" của người dân và "Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở". Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, đặc biệt với các địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, việc thực hiện Đề án không chỉ gói gọn ở con số 1 triệu căn nhà ở xã hội, vì hiện nay còn hàng chục triệu người có nhu cầu về nhà ở. Mục tiêu dài hạn, tổng thể của Đề án là phải nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong bảo đảm quyền tiếp cận nhà ở của người dân. Trong từng giai đoạn, cần đề ra mục tiêu cụ thể, như xây ký túc xá cho sinh viên, nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở nhóm người yếu thế… từ đó, đưa ra các giải pháp, chính sách, phân bổ nguồn lực ưu tiên, phù hợp.

"Cần có kế hoạch, lộ trình bài bản để giải quyết nhu cầu tiếp cận nhà ở của mọi người dân như Hiến pháp đã quy định", Phó Thủ tướng nhắc lại và yêu cầu nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là công nhân, người lao động có thu nhập thấp, đối tượng yếu thế, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó, cần tính đến mức thu nhập phổ biến của người lao động và khả năng có thể mua nhà ở xã hội.

"Nhà nước phải bảo đảm giá nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến Bộ Xây dựng mà cả Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngân hàng… Do vậy, các bộ, ngành cần nghiên cứu chính sách để công nhân, người lao động có việc làm, thu nhập ổn định được vay tiền để mua nhà, thuê nhà… với mức lãi suất thấp", Phó Thủ tướng đề nghị.

Những khó khăn về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội cần được khẩn trương tháo gỡ theo hướng Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về hạ tầng, đất đai, tài chính… cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, "lấy đầu tư công về hạ tầng cơ bản để dẫn dắt, thu hút đầu tư".

Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình triển khai Đề án cần phân định rõ trách nhiệm của Nhà nước (Trung ương, địa phương) làm gì, khu vực tư nhân làm gì; đồng thời, có tiêu chí xác định dự án sử dụng vốn đầu tư công, hợp tác công-tư và xã hội hóa.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các dự án nhà ở xã hội cần được tính toán đồng bộ, dự báo chính xác để đưa vào quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.

Phần chìm của tảng băng là số doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng vô cùng khốn đốn

Phát biểu tại Diễn đàn BĐS Mùa Xuân thường niên lần III diễn ra sáng 10/3, TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, số doanh nghiệp phá sản, giải thể của năm 2022 so với năm 2021 tăng gần 40%. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng. Các doanh nghiệp còn lại đang duy trì hoạt động cũng rơi vào cảnh vô cùng khốn đốn, đó mới chính là phần chìm của tảng băng.

Trước những khó khăn hiện tại, ông Lộc cho rằng, cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế. Vai trò của Nhà nước trong vấn đề này là rất lớn để có thể tiếp sức cho các doanh nghiệp. "Đột phá thể chế sẽ dẫn đường cho sự hồi sinh của thị trường BĐS. Dư địa về cải cách thể chế, về pháp lý là vô tận, cho nên đây là vấn đề lớn nhất cần có sự quan tâm sát sao và kịp thời", ông Lộc nhấn mạnh.

Cùng nhìn nhận những khó khăn của thị trường BĐS hiện nay, ông Trần Quang Trung - Giám đốc Phát triển kinh doanh OneHousing cho rằng, thị trường BĐS đang ở thế người dân hồ hởi chuẩn bị tiền đầu tư, doanh nghiệp chuẩn bị bấm nút triển khai các dự án. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, thị trường lại dần phanh lại, rơi vào thế ảm đạm.

Ông Trung nhấn mạnh, thị trường BĐS đang cần hỗ trợ pháp lý rất lớn, rất quan trọng vào lúc này. Nếu so sánh với giai đoạn khủng hoảng cách đây 10 năm, thì hiện nay trên thị trường BĐS, yếu tố đầu cơ vẫn còn nhiều, trong khi hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chưa quản lý thật tốt. Đó là nguồn gốc gây khó khăn cho mọi vấn đề trên thị trường hiện nay.

Thời gian vừa qua, phần lớn doanh nghiệp gãy dòng tiền, thị trường bị tác động bởi những yếu tố vĩ mô, luật pháp, nghị định… Nhưng từ giờ tới tháng 6 là giai đoạn tác động bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Lúc đó, người dân đối diện với trả dòng tiền, lãi suất thả nổi 12-14%/năm. Như vậy, không khác gì "đi buôn ngược", sẽ dẫn đến khủng hoảng tâm lý, nhiều nhà đầu tư cần tiền gấp, bán tháo.

Tuy nhiên, theo ông Trung, chúng ta không phải không có cơ hội, có thể coi đây là cuộc chơi thanh lọc. Chúng ta không cứu doanh nghiệp BĐS mà cứu thị trường BĐS, tạo kênh dòng tiền tốt, sẽ có những doanh nghiệp hoạt động bài bản, thị trường bền vững, giảm đầu cơ ngắn hạn và yếu tố "tham".

Cưỡng chế thuế chủ đầu tư 2 dự án BĐS chậm tiến độ, "ngâm" đất

Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã có quyết định cưỡng chế đối với 3 doanh nghiệp đang nợ thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản. Trong số này có chủ đầu tư của 2 dự án chậm tiến độ, "ngâm" đất.

Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, các doanh nghiệp nợ tiền thuế phải thực hiện cưỡng chế đợt này gồm: Công ty TNHH Sơn Hải Riverside, Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Quảng Bình, Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình.

2 trong số 3 doanh nghiệp kể trên là chủ đầu tư của 2 đại dự án chậm tiến độ. Đó là Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình, chủ đầu tư dự án khu resort 3 sao (nay là Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Bảo Ninh) và Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Quảng Bình, chủ đầu tư dự án Khách sạn 5 sao Pullman.

Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình bị cưỡng chế hơn 9,1 tỷ đồng gồm: Nợ tiền thuê mặt đất hằng năm hơn 7,6 tỷ đồng, nợ tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hơn 447 triệu đồng và tiền chậm nộp các khoản khác hơn 660 triệu đồng.

Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Quảng Bình nợ thuế với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng, bao gồm: Tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các khoản thu khác.

bất động sản mới nhất: QUảng bình

Lý do TPHCM vỡ kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch

Theo Tienphong, ngày 10/3, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, vừa sơ kết Chương trình nhà ở giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2030. Đáng chú ý, sau 5 năm triển khai thực hiện việc di dời nhà trên và ven kênh rạch còn chậm, mới chỉ bồi thường và di dời được 2.479 trong tổng số 20.000 căn, đạt 12,4% so với chỉ tiêu.

Việc chậm triển khai di dời nhà trên và ven kênh rạch do nguồn vốn ngân sách của TPHCM hạn chế, không đủ so với nhu cầu. Nhóm dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 62% cơ cấu nguồn vốn, gồm 59 dự án, 14.855 căn, chiếm 26.919/43.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc cải tạo các tuyến rạch không được mở rộng hơn so với biên chỉnh trang nên không tạo được quỹ đất có giá trị thương mại, không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia dự án nên phải thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.

Việc sử dụng nguồn vốn ngân sách cũng gặp không ít khó khăn trong bối cảnh điều tiết ngân sách chung và hạn chế từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới. Trong khi, ngân sách TPHCM đang cùng lúc phải cân đối cho các chương trình đột phá khác, như giảm ùn tắc giao thông, chống ngập và giảm ô nhiễm môi trường có giá trị giải ngân cao, có tính cấp bách và theo thứ tự ưu tiên.

Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cũng chỉ ra nguyên nhân khác là do trình tự thực hiện các thủ tục đối với dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách phức tạp, kéo dài gồm nhiều giai đoạn. Công tác chuẩn bị đầu tư theo Luật Đầu tư, chuẩn bị bồi thường theo Luật Đất đai phức tạp nên có tới 42/59 dự án dừng lại ở các bước chuẩn bị đầu tư, chỉ có 17/59 dự án được phê duyệt dự án bồi thường để triển khai thực hiện công tác tiếp theo để chi trả bồi thường.