Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 10/2023, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt 4,81 tỷ USD, tăng 7,43% so với tháng trước đó và tăng 11,9% so với tháng 10/2022. Trong đó, nhóm nông sản đạt 2,47 tỷ USD, tăng 31,1% so với tháng 10 năm ngoái; chăn nuôi 40 triệu USD, tăng 6%; lâm sản 1,28 tỷ USD, giảm nhẹ 0,2%; thủy sản 850 triệu USD, giảm 5,9%; đầu vào sản xuất 162 triệu USD, giảm 12,3%.
Lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 43,08 tỷ USD, giảm 4,2% - mức giảm đang nhỏ dần cho thấy thị trường xuất khẩu hồi phục mạnh trong những tháng cuối năm. Tính đến hết tháng 10, nhiều mặt hàng nông sản ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
Đặc biệt, nhóm hàng rau quả thu về 4,91 tỷ USD, tăng 78,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là con số cao nhất trong lịch sử ngành hàng rau quả.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả hiện đứng thứ 3 trong các nhóm hàng chủ lực của ngành nông nghiệp, chỉ sau xuất khẩu thuỷ sản và lâm sản. Xuất khẩu gạo cũng lập kỷ lục lịch sử khi đạt 3,97 tỷ USD, tăng 34,9%; hạt điều đạt 2,92 tỷ USD, tăng 14,8%; sản phẩm chăn nuôi 402 triệu USD, tăng 22%...
Tuy nhiên, còn một số nhóm hàng xuất khẩu vẫn tăng trưởng âm như: thuỷ sản đạt 7,45 tỷ USD, giảm 20,5%; lâm sản 11,65 tỷ USD, giảm 19,3%; đầu vào sản xuất 1,64 tỷ USD, giảm 20,3%.Trong 10 tháng năm 2023, thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp đạt 9,3 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xa con số 8,5 tỷ USD của cả năm 2022.
Chia sẻ về kết quả này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thặng dư ngành nông nghiệp tăng mạnh đóng vai trò hết sức quan trọng đối với ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Các thị trường xuất khẩu đang phục hồi mạnh, kim ngạch tháng sau tăng hơn tháng trước. Trong khi, 2 tháng cuối năm được xem là “mùa vàng” của năm do nhu cầu từ các thị trường tăng. Các mặt hàng rau quả, gạo, hạt điều xuất khẩu tăng trưởng tốt bù đắp cho các nhóm hàng sụt giảm. Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông sản của năm 2023.