Làn sóng chuyển dịch của ‘đại bàng’ và sức bật tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Chuyên gia cho rằng, hơn 8% là mức tăng trưởng cao, phục hồi ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều khó khăn như năm 2022. Con số về FDI và thương mại quốc tế cho thấy , các nhà đầu tư đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 tăng 8,2%. Đây cũng là mức cao nhất giai đoạn 2011-2022. Trước đó, nhiều tổ chức quốc tế cũng lạc quan khi nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay. Trong báo cáo phát hành mới đây, Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ 7,6% lên 8,1%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong dự báo cập nhật đều nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 từ 7 - 7,5% GDP.

Vì sao tăng trưởng GDP cao nhất 12 năm?

Trao đổi với Tiền Phong, ông PGS. TS. Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng, hơn 8% là mức tăng trưởng cao, đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều khó khăn như năm 2022.

Theo ông Chung, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao này do rất nhiều yếu tố đan xen, cộng hưởng, trong đó có sự quyết liệt trong phản ứng chính sách từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Vị chuyên gia kinh tế gọi 2022 là “một năm dày đặc các chính sách về kinh tế”. Ông dẫn chứng, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường, Thủ tướng ban hành liên tiếp 4 công điện chỉ đạo xử lý một loạt vấn đề nóng…

Nguyên nhân khác, ông Chung cho biết do thị trường hậu COVID-19 ví như chiếc lò xo bị nén lâu ngày nay “bung” ra, tổng mức bán lẻ và du lịch đều tăng trưởng tốt.

Foxconn - nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) lớn nhất và lâu đời nhất của Apple - đã thông báo đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy mới ở Bắc Giang. Tại đây, Foxconn dự kiến sẽ lắp ráp các sản phẩm Macbook.

Một điểm sáng khác đồng thời cũng là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay đó là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chuyên gia Trần Kim Chung cho rằng, trong bối cảnh đầu tư thương mại quốc tế suy giảm, vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt con số giải ngân 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021 là “sự thúc đẩy tích cực”.

Con số về đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế cho thấy, các nhà đầu tư đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cũng theo ông Trần Kim Chung, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc kỷ lục hơn 730 tỷ USD góp phần rất lớn vào bức tranh tăng trưởng. Ngoài ra, những yếu tố khác như đột phá về hạ tầng cũng thúc đẩy nền kinh tế đạt tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, ông Chung cũng lưu ý, tăng trưởng GDP 2022 cao cũng bởi tính toán trên nền tăng thấp năm ngoái, do vậy không nên quá “áp lực” con số tăng trưởng năm sau phải cao hoặc cao hơn, bởi tăng trưởng phải luôn đi kèm với yếu tố bền vững.

Nét khác biệt đáng tự hào

Khi nhận định về GDP 2022, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là “nét khác biệt đáng tự hào”, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua và tăng trưởng thấp.

Theo ông Lâm, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng. Ông Lâm nói, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm sau cao hơn năm trước, phản ánh sự năng động, vượt khó đi lên trong tìm kiếm nguồn hàng, tìm kiếm thị trường.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, năm 2022, kinh tế Việt Nam phát triển khá toàn diện, đạt và vượt kế hoạch 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao. Kết quả đạt được là nhờ cộng đồng doanh nhân năng động, linh hoạt, chủ động vượt khó, không khoanh tay đứng nhìn.

Từng nhận định "kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng", ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam - cho rằng, nhờ sự thay đổi linh hoạt của Chính phủ trong việc phòng chống đại dịch COVID-19, nền kinh tế đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022. Kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng trong những tháng còn lại.

Theo ông Andrew Jeffries, tăng trưởng kinh tế được duy trì nhờ các cân đối kinh tế vĩ mô vững mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành nông nghiệp.

Ông Andrew Jeffries cũng cho biết, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 còn phụ thuộc vào những yếu tố rủi ro đang ngày càng gia tăng đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhu cầu bên ngoài chậm lại và trong điều kiện tài chính toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt có thể ảnh hưởng nặng nề hơn đến xuất khẩu so với dự báo, điều này sẽ làm trầm trọng thêm quá trình phục hồi kinh tế. Ngoài ra, các đợt tăng mạnh lãi suất của ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn đã làm giảm áp lực lạm phát toàn cầu, sự gia tăng của những bất ổn địa chính trị toàn cầu có thể đẩy giá hàng hóa lên cao ảnh hưởng đến triển vọng vĩ mô ở Việt Nam.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cùng nhận định, bước sang năm 2023, kinh tế - xã hội Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; dịch bệnh thiên tai khó dự báo trước.

Tổng cục Thống kê đưa ra một số kiến nghị cụ thể để khắc phục những thách thức, tận dụng cơ hội năm tới:

Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, các khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới.

Thứ hai, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ. Cân đối cung cầu, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đặc biệt vào các dịp lễ, tết.

Thứ ba, quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ tư, đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất để chủ động nguồn cung…

Foxconn - nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) lớn nhất và lâu đời nhất của Apple - đã thông báo đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy mới ở Bắc Giang. Tại đây, Foxconn dự kiến sẽ lắp ráp các sản phẩm Macbook. Việc sản xuất những chiếc máy tính xách tay này đòi hỏi chuỗi cung ứng phức tạp hơn, công nhân sản xuất cần được đào tạo tốt hơn và máy móc cần có độ chính xác cao hơn so với việc sản xuất tai nghe nhét tai của Apple.

Những khoản đầu tư lớn gần đây đến từ phía các nhà cung cấp của Apple, Samsung, Lotte hay cả nhà sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch là những tín hiệu đáng khích lệ cho tương lai của Việt Nam.