Chủ cơ sở kinh doanh ăn uống loay hoay
Trong phiên giao dịch sáng nay, 8/3 (Giờ Việt Nam), các hợp đồng dầu thô đều đồng loạt tăng. Trước đó, phiên ngày hôm qua cũng ghi nhận biến động mạnh, có thời điểm lên đỉnh mới 140 USD/thùng.
Cụ thể, dầu WTI tăng 1,99 USD/thùng tương ứng 1,67% lên mức 121,39 USD/thùng; Dầu Brent tăng 5,10 USD/thùng tương ứng 4,32% lên mức 123,21 USD/thùng.
Cùng với đó, thời gian gần đây giá gas bán lẻ cũng tăng 3.500 đồng/kg, tương đương 42.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, giá gas bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không vượt quá 524.500 đồng/bình 12kg, 1.965.000 đồng/bình 45kg, 2.184.500 đồng/bình 50kg...
Việc xăng, gas giá kéo theo nhiều loại nguyên, nhiên liệu khác tăng theo đã khiến các chủ đơn vị kinh doanh ăn uống lao đao bởi chi phí "đội" lên cao. Anh Lê Hòa, chủ một hệ thống nhà hàng tại Dương Đình Nghệ (Hà Nội) cho biết, trung bình một cơ sở sử dụng khoảng 10-15 bình gas loại 12kg/tháng.
Theo tính toán của anh Hòa, với mức giá hiện tại, hệ thống nhà hàng phải chi thêm từ 7-10 triệu tiền gas/tháng. Ngoài ra, hàng loạt chi phí đầu vào và các nguyên liệu cũng liên tục tăng theo trong thời gian qua. Trong khi đó, dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến lượng khách hàng giảm, doanh thu tụt dốc không phanh.
"Giá cả thị trường tăng nhưng ít khách nên chúng tôi phải liên tục giảm giá, khuyến mại. Khoảng nửa tháng nay, lượng ca nhiễm tăng mạnh, thậm chí có tới một nửa số nhân viên là F0, chưa lúc nào xoay xở vất vả như lúc này. Doanh thu của hệ thống chắc chỉ đạt chưa được 50%", anh Hòa chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Trang, chủ hệ thống nhà hàng Nhật Bản Furyu Restaurant cho biết, việc xăng dầu, gas đồng loạt tăng giá đã ngay lập tức kéo theo nhiều mặt hàng thực phẩm, rau xanh tăng tương ứng.
Cụ thể, giá rau xanh tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản cũng đều tăng lên từ 10-15%. Nếu tình trạng trên kéo dài, việc các cửa hàng kinh doanh tăng giá sẽ là việc "sớm hay muộn".
Theo chị Trang chia sẻ, nếu không điều chỉnh lại giá bán, rất khó có lãi, thậm chí có thể lỗ vì mọi nguyên liệu đầu vào đều tăng giá. Tuy nhiên, việc tăng giá cũng sẽ khiến các cửa hàng gặp bất lợi cạnh tranh.
"Hiện tại, chúng tôi phải lựa chọn giảm doanh thu hoặc tăng giá, định lượng với tất cả các món thì không thể cắt xén, thay đổi. Hơn nữa, chúng tôi kinh doanh nhà hàng cao cấp, khách hàng là những người sành sỏi, cắt giảm hoặc sử dụng nguyên liệu không tốt sẽ mất khách ngay.
Ngoài ra, cái khó nằm ở chỗ, khi giá xăng tăng, mọi loại hàng hóa dịch vụ tăng ngay lập tức nhưng đơn vị kinh doanh ăn uống không thể tăng ngay được. Nếu tăng giá đột ngột có thể bị kiểm tra và xử phạt. Đối với doanh nghiệp việc tăng, giảm giá đều phải thực hiện theo đúng trình tự, quy định", chị Trang cho hay.
Giảm thuế 1.000 đồng/lít xăng có thể không mang nhiều ý nghĩa
Trước tình trạng thị trường nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Tài chính hiện tại có thể không mang lại nhiều hiệu quả và phản ứng chậm với diễn biến thị trường.
TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, giá xăng dầu thế giới luôn biến động khó lường và có biên độ lớn. Cụ thể, có năm giá dầu tụt xuống 30 USD/thùng nhưng có khi lại tăng vọt lên 120 - 130 USD/thùng dầu thô.
"Nếu để vận động tự phát theo thị trường, thì rõ ràng sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân không được ổn định, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn" TS. Bùi Đức Thụ nhận định.
Ngoài ra, trong giá xăng dầu bao gồm nhiều loại thuế, phí, như thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… Ngoài giảm thuế môi trường 1.000 đồng/lít xăng, nếu Chính phủ tiếp tục đề xuất giảm các loại thuế khác, thì giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm nhiều hơn.
Ngoài ra, TS Thụ nhận định, nếu ngoài thuế môi trường, các loại thuế khác không điều chỉnh, thì mức giảm này quả thật là thấp, tác động đến giá xăng dầu rất ít. Nếu chỉ giảm 1.000 đồng, khi giá xăng hiện nay ở mức 27.000 đồng/lít thì không mấy ý nghĩa.
Ngoài ra, ông Thụ cũng bày tỏ lo ngại quy trình, thủ tục để Quốc hội quyết định giảm thuế môi sẽ chậm trễ khi đến tháng 5 mới họp. Do đó, Chính phủ cần xem xét giảm những loại thuế khác thuộc thẩm quyền của mình như thuế nhập khẩu.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, chiến sự giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu lên trên 100 USD/thùng.
Trong khi đó, mức giá khoảng 27.000 đồng/lít xăng hiện tại chỉ phản ánh tương đương với mức giá dầu khoảng 100 USD/thùng. Trong thời gian tới, giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục tăng.
Trước viễn cảnh đó, Ts Lê Đăng Doanh đánh giá, việc giảm thuế "được đồng nào hay đồng ấy", tuy nhiên, cần đánh giá tác động nhiều chiều. Cụ thể, ngành chức năng cần tính toán khi hiện trạng ngân sách của Việt Nam đang rất khó khăn. Do đó, việc cắt giảm thuế phí cần được xem xét cẩn trọng. Trong bối cảnh hiện tại, cần tái cơ cấu ngành vận tải, giảm đường bộ, tăng đường sắt, đường thủy
Ngoài ra, mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản góp ý với Bộ Tài chính. Theo đó, đơn vị này đánh giá cao đề xuất nhưng yêu cầu cần có biện pháp "mạnh mẽ hơn".
Cụ thể, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại.