Văn Phú-Invest: Doanh thu 2023 ‘xuống đáy’ trong 5 năm, dòng tiền kinh doanh âm hơn 750 tỷ

Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - INVEST (HoSE: VPI) đã khép lại năm 2023 với kết quả doanh thu 1.877 tỷ đồng, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
van-phu-invest-doanh-thu-2023-xuong-day-trong-5-nam-dong-tien-kinh-doanh-am-hon-750-ty-1706356031.jpg
Văn Phú-Invest: Doanh thu 2023 ‘xuống đáy’ trong 5 năm, dòng tiền kinh doanh âm hơn 750 tỷ

Báo cáo tài chính hợp nhất của VPI cho thấy, quý IV/2023, doanh thu thuần đạt 134 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm trước, do sự sụt giảm rất mạnh của mảng chuyển nhượng bất động sản (chỉ 59 tỷ đồng, giảm 91%). Đây cũng là doanh thu quý thấp nhất trong 15 quý qua (kể từ sau quý I/2021).

Đáng chú ý, giá vốn âm do công ty hoàn nhập chi phí trích trước giá vốn dự án The Terra An Hưng nên lợi nhuận gộp lớn hơn doanh thu, đạt 148 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 110%.

Trong quý, VPI có thêm 25 tỷ đồng doanh thu tài chính (giảm 28%) và 10 tỷ đồng lợi nhuận trong công ty liên doanh, liên kết (tăng 2,5 lần).

Bên cạnh đó, công ty cũng tiết giảm được tới 97% chi phí bán hàng (chỉ 1,3 tỷ đồng) và 45% chi phí quản lý (58 tỷ đồng).

Tuy nhiên, với việc chi phí tài chính tăng rất mạnh (104 tỷ đồng, tăng 89%), VPI chỉ có thể kết thúc quý IV/2023 với lợi nhuận trước thuế 15,7 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ năm trước.

Khấu trừ thuế, lợi nhuận là 24,9 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ. Đây là lợi nhuận quý thấp nhất 15 quý qua (kể từ sau quý I/2021).

Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của VPI đạt 1.877 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước và thấp nhất trong 5 năm qua. Lợi nhuận gộp đạt 1.310 tỷ đồng, tăng 12%. Biên lợi nhuận gộp đạt 69,8%.

Trong năm, hoạt động tài chính mang về 119 tỷ đồng doanh thu, giảm 9%. Song, chi phí tài chính lại lên tới 465 tỷ đồng, tăng 40%. Chi phí bán hàng cũng tăng 16%, đạt 140 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý giảm không đáng kể, đạt 223 tỷ đồng.

Phải nhờ thêm khoản lợi nhuận trong công ty liên doanh, liên kết (31 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần), VPI mới có lợi nhuận trước thuế đi ngang so với năm trước, đạt 635 tỷ đồng.

Trừ thuế đi, lợi nhuận chỉ còn 463 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước.

Năm 2023, VPI đặt mục tiêu doanh thu 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 550 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 85% mục tiêu doanh thu và 84% mục tiêu lợi nhuận.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của VPI đạt 12.532 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng 29,5%, đạt 3.701 tỷ đồng, tăng 92%, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án: The Terra Bắc Giang (1.478 tỷ đồng), Vlasta Thủy Nguyên (1.727 tỷ đồng), Song Khê – Nội Hoàng (201 tỷ đồng)…

Các khoản phải thu chiếm tỷ trọng 21,7%, đạt 2.720 tỷ đồng, giảm 10%. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng 23% lên 74 tỷ đồng.

Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn và chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm tỷ trọng 21,4%, đạt 2.690 tỷ đồng, tăng 1,6%. Trong đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang gồm các dự án: Cồn Khương – Cần Thơ (307 tỷ đồng), Lộc Bình – Thừa Thiên Huế (140 tỷ đồng), Vlasta Sầm Sơn (233 tỷ đồng), Grandeur Palace Mỹ Đình (78 tỷ đồng)…

Nợ phải trả tại ngày 31/12/2023 đạt 8.553 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 4.627 tỷ đồng, tăng 16%. Thuế và các khoản phải nộp nhà nước tăng tới 3,2 lần, lên 839 tỷ đồng. Điểm tích cực là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 1.018 tỷ đồng, tăng 76%.

Vốn chủ sở hữu của VPI đạt 3.979 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,14 lần, tăng nhẹ so với đầu năm là 1,95 lần.

Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh năm 2023 của VPI âm tới 754 tỷ đồng, chủ yếu do tăng hàng tồn kho (1.799 tỷ đồng), chi trả lãi vay (265 tỷ đồng), đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (181 tỷ đồng).

Trong khi đó, dòng tiền vay/trả lại có sự suy giảm tương đối lớn, giảm 29% và giảm 39%, đạt 1.318 tỷ đồng/651 tỷ đồng.

Hệ quả là lưu chuyển tiền thuần cả năm âm 292 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền cuối năm giảm tới 60%, chỉ còn 195 tỷ đồng.

Lê Nguyễn