TS Vũ Tiến Lộc: Chỉ số vĩ mô ở 'mùa hè' nhưng doanh nghiệp đang trong 'mùa đông giá lạnh'

Bình luận về bức tranh chung của kinh tế vĩ mô và tình hình doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nói rằng: Chỉ số vĩ mô ở “mùa hè” còn doanh nghiệp trong “mùa đông giá lạnh”.
ts-vu-tien-loc-chu-tich-trung-tam-trong-tai-quoc-te-viet-nam-1671070837.jpg
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Chia sẻ tại Hội thảo Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các con số vĩ mô đang nói lên tinh thần tích cực của mùa hè, còn tình hình doanh nghiệp thì đang trong mùa đông giá lạnh.

“11 tháng đầu năm, chúng ta tiếp tục đạt kỷ lục về con số doanh nghiệp thành lập mới, đạt 194.000 doanh nghiệp, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, trong khó khăn nhưng tinh thần khởi nghiệp rất cao. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, 132.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 11 tháng đầu năm, tăng 24,3% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đang rất khó khăn. Cứ 10 doanh nghiệp mới thành lập thì 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là 1 tổn thất lớn, không chỉ về hoạt động của doanh nghiệp, mà còn là vấn đề tăng trưởng lao động, niềm tin trong nền kinh tế. Nếu nhìn sâu vào bức tranh doanh nghiệp sẽ thấy họ đang gặp khó chồng chất: thị trường thu hẹp, nguồn vốn khó khăn, chất lượng lao động giảm…”, ông Lộc chia sẻ.

Dự báo năm 2023, theo ông Lộc, những khó khăn sẽ vẫn hiện hữu đầu năm 2023 và cải thiện hơn vào cuối năm.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP. HCM, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, sau 2 năm đại dịch, kết hợp thêm những khó khăn khi xung đột tại Đông Âu diễn ra, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và chịu tác động dây chuyền. Không có doanh nghiệp bất động sản nào có thể gánh chịu, bởi các khoản vay chỉ có hạn 3 - 5 năm phải trả, trong khi biến cố bất ngờ dẫn đến cơ chế thị trường không thể lường trước. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, cần sự hỗ trợ của Chính phủ để quay trở lại guồng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

“Đây không chỉ là sự điều chỉnh theo “cơ chế thị trường” mà phải dựa vào điều chỉnh theo “cơ chế tự động”. Để giải quyết được vấn đề, cần sự hỗ trợ của nhà nước, giải quyết để đổi mới bộ mặt đô thị Việt Nam, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, vấn đề về kinh tế...”, ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, tổng sản lượng ngành xây dựng đã đóng góp là 1.938 nghìn tỷ đồng (tương đương 82 tỷ USD), đóng góp tốt vào tổng sản lượng quốc gia. Điều đó chứng minh, ngành xây dựng có tỷ trọng lớn đóng góp cho nền kinh tế. Nếu ngành xây dựng phát triển thì sẽ đem đến nhiều lợi ích cho nhiều ngành khác nhau, nếu không có ngành xây dựng hay ngành xây dựng sụt giảm, cũng sẽ kéo theo hàng loạt tác động xấu đến hệ sinh thái nói chung.

Thực tế, với tình cảnh ế ẩm, nhiều doanh nghiệp bất động sản, sàn môi giới đã phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ tết sớm và chưa có kế hoạch trở lại. Mới đây, Công ty Bất động sản Đất Xanh miền Bắc đã có thông báo về việc cho nhân viên nghỉ tết sớm kéo dài gần 2 tháng, từ ngày 12/12/2022 đến ngày 5/2/2023. Đây không phải là trường hợp ngoại lệ mà khá phổ biến trên thị trường.

Trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ và các cơ quan quản lý đang có động thái thực hiện các chính sách hỗ trợ thị trường. Trong đó, về câu chuyện nguồn vốn và diễn biến tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngày 13/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1163/CĐ-TTg về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính: Khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả và phát triển bền vững; có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023; chủ động có biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất ngay các biện pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.

Đồng thời, yêu cầu các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, tổ chức phát hành trái phiếu chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế, theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ và theo đúng quy định pháp luật.