Quy định về tem điện tử cần sự đồng bộ để mang lại lợi ích chung

Trong bối cảnh các DN đang đối mặt với những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và Chính phủ đang tìm mọi cách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), dự thảo Thông tư hướng dẫn in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử đang gây một số băn khoăn cho DN về  chi phí và tính hiệu quả.

Đây là nội dung được trao đổi tại hội thảo “Góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tổ chức nhằm lắng nghe những ý kiến góp ý từ các hiệp hội, DN chịu tác động trực tiếp của dự thảo Thông tư.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh:VGP.

Cụ thể, các DN tham gia hội thảo kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại sự cần thiết của dự thảo thông tư này. Nếu thấy thực sự cần thiết phải banh hành, thì cần cân nhắc một lộ trình chuyển đổi phù hợp để đảm bảo cho DN có đủ thời gian để đầu tư và điều chỉnh cho việc tuân thủ.

Các DN đều cho rằng áp dụng công nghệ thì cần tăng tính hiệu quả và giảm nhẹ gánh nặng cho DN, nhưng trong trường hợp này thông tư dán tem điện tử lại đang đi ngược với mục tiêu này – tạo thêm gánh nặng cả về chi phí và hành chính cho DN. Vì vậy, DN kiến nghị Nhà nước sử dùng nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt để cấp, phát miễn phí tem điện tử cho DN, đồng thời giảm tần suất cũng như thông tin qui định trong các báo về sử dụng tem điện tử.

Việc sử dụng mã QR (viết tắt của từ “Quick Response” trong tiếng Anh) đang là một xu thế chung đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Tuy nhiên để đảm bảo các mã QR được sử dụng một cách thuận tiện và chính xác, cần phải có những tiêu chuẩn và quy chuẩn rõ ràng cho từng lĩnh vực. Một đại diện của DN kinh doanh rượu cho rằng việc đặt mã QR ở đuôi tem như quy định trong dự thảo là rất khó bảo quản và DN sẽ phải đầu tư thêm để bảo vệ con tem, vì vậy DN đề nghị mã QR cần đặt ở giữa con tem dán qua nắp chai để đảm bảo an toàn.

DN cũng chia sẻ băn khoăn làm thế nào để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm thông qua mã QR trên con tem. Nếu phải vào Cổng thông tin điện tử Chính phủ hay của Tổng cục Thuế mới kiểm tra được nguồn gốc của sản phẩm dựa trên mã QR thì có lẽ con tem mới sẽ không giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tra soát nguồn gốc của sản phẩm.

Ngoài ra, đại diện một số DN cũng bày tỏ quan ngại về chất lượng đồng bộ của các hệ thống quản lý thông tin điện tử. Để có thể tận dụng tối đa những ưu việt của các công cụ điện tử như mã QR, các cơ quan quản lý cần chú trọng trước tiên vào việc phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng để đảm bảo việc quản lý thông tin của DN, cũng như lưu trữ tra cứu thông tin tem điện tử để đảm bảo công tác mua tem cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm được trơn tru, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Một số DN cũng có kiến nghị cho phép được lựa chọn áp dụng tem hiện tại và tem điện tử cho đến khi cả cơ quan quản lý và DN đã được trang bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp cho việc sử dụng tem điện tử một các hữu hiệu.

Anh Minh

Link nguồn: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Quy-dinh-ve-tem-dien-tu-can-su-dong-bo-de-mang-lai-loi-ich-chung/417855.vgp