Quảng Nam: Huyện Đại Lộc ghi dấu ấn phát triển toàn diện kinh tế - xã hội năm 2023

Huyện Đại Lộc ghi dấu ấn đậm nét trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội với 10 điểm nhấn nổi bật trong năm 2023, đặc biệt là việc lội ngược dòng ngoạn mục trong tăng trưởng kinh tế, trở thành địa phương duy nhất lấy lại được đà tăng trưởng vượt bậc.

z5079068113895-88fabff8d37ad76f84b9d5501aa8ce39-1705463769.jpg

Huyện Đại Lộc lội ngược dòng tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm 2023

Ban cán sự Đảng UBND huyện Đại Lộc đã khẳng định rõ nét vai trò lãnh đạo tập trung, thống nhất, dân chủ, khách quan và toàn diện. Bám sát chủ đề công tác năm 2023 “Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tập trung cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”.

UBND huyện đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực ngay từ đầu năm với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khắc phục nhanh chóng những hạn chế, bám sát thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh phát triển; cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn huyện.

Cùng với đó, lãnh đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; trong đó tập trung trọng tâm, trọng điểm vào lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đến đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, có thể khẳng định, cấp ủy, chính quyền ngày càng sâu sát, cụ thể, gần dân, sát dân và hướng tới nhân dân.

UBND huyện Đại Lộc cũng đã thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tỉnh là cơ sở quan trọng để tăng cường phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực, gắn trách nhiệm thực hiện.

Tổng giá trị sản xuất ước đạt 14.855,7 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 5,1% so với năm 2022 (tăng 721,5 tỷ đồng), đạt 94,15% so với kế hoạch, chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức; năng lực nội tại của các doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19 cùng với ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh mẽ và rõ rệt đến nền kinh tế của huyện. Các ngành kinh tế trên địa bàn huyện mặc dù tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng phần lớn không đạt chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện đề ra.

UBND huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Kịp thời xử lý theo đúng chức năng thẩm quyền của đơn vị cấp huyện nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng nguồn thu ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách khuyến khích đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác khuyến công.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Doanh nghiệp đăng ký mới có tăng song số doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động cũng tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Theo số liệu của Chi cục thuế huyện quản lý, tính đến nay, toàn huyện có 89 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 237,550 tỷ đồng, tăng 22 doanh nghiệp, vốn 89,670 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, có 12 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động, tăng 04 doanh nghiệp và có 86 doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động, tăng 36 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022. Quy mô sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp thu hẹp, tại một vài thời điểm có cắt giảm lao động, thị trường tiêu dùng giảm sút; chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, chi phí nguyên vật liệu tăng, khó khăn về tài chính, khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước,...làm cho doanh thu sụt giảm, đã tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất cũng như tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng ngành công nghiệp năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra. Giá trị sản xuất ngành Công nghiệp khu vực ngoài nhà nước phần huyện quản lý (giá so sánh năm 2010) năm 2023 ước đạt 7.044,6 tỷ đồng, tăng 3,83% (+260,1 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Đại Lộc đã chỉ đạo quyết liệt trong việc nâng cao công tác quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư, rà soát đối với các dự án đô thị thương mại, dịch vụ.

Công tác quốc phòng được quan tâm, xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ và thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Hệ thống văn kiện tác chiến, sẵn sàng chiến đấu và phòng thủ dân sự của lực lượng vũ trang huyện được chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung đầy đủ, so với năm 2022, hoàn thành 100% kế hoạch năm, kết quả đều đạt giỏi, xuất sắc, an toàn.

Công tác phòng ngừa, tấn công, trấn áp các loại tội phạm được triển khai quyết liệt, nhằm xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật về ma túy, kinh tế, tham nhũng, môi trường. Quản lý hành chính về trật tự xã hội được thực hiện tốt.