Quán cháo ở TP.HCM mời khách vào ăn 'không tiền cũng được'

Xuất phát từ mong muốn sẻ chia, vợ chồng anh Trần Văn Hòa (47 tuổi, quận 12) quyết định bán những suất cháo 5.000 đồng hoặc tặng miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Quán cháo của vợ chồng anh Hòa nằm trên con đường Trung Mỹ Tây 13 tấp nập. Ở ngay trước quầy, ông bà chủ dán dòng chữ "Người khuyết tật, người già, người bán vé số, trả 5.000 đồng hoặc không tiền cũng được".

Nửa năm qua, thông điệp đặc biệt này luôn khiến thực khách ấn tượng.

“Bên cạnh nhóm khách quen ghé mỗi ngày, không ít người đến ăn vì tò mò về phần cháo 5.000 đồng. Thật ra cháo nấu cũng đơn giản như bao tiệm khác. Thậm chí, có khách còn tỏ ý chê vì không đặc biệt như họ hình dung. Trước những phản hồi như vậy, vợ chồng tôi chỉ cười cho qua. Quan trọng là chúng tôi thực sự đặt tâm huyết vào món ăn”, chị Dung bày tỏ.

quan chao mien phi anh 1

Dòng chữ đặc biệt được dán ngay cửa quán cháo.

Chia sẻ với Zing, anh Hòa cho biết quán cháo được mở vào năm 2013. Những năm đầu buôn bán, anh đã từng nhiều lần chuyển địa điểm vì bị thu hồi mặt bằng.

Đến năm 2019, quán vừa ổn định ở địa chỉ hiện tại thì anh lại bị tai nạn, phải nằm viện suốt một năm trời. Về sau, gặp dịch Covid, tiệm cháo cũng đóng cửa tới gần đây.

“Trải qua nhiều khó khăn, tôi thấu hiểu những vất vả trong mưu sinh. Người già, người khuyết tật lại càng chật vật hơn. Vì vậy, tôi tự nhủ giúp được ai, giúp được bao nhiêu thì mình cứ giúp hết lòng, dù bản thân cũng chẳng dư dả là bao”, anh Hòa bộc bạch.

quan chao mien phi anh 2

Vợ chồng anh Hòa trải qua nhiều khó khăn nên mong giúp đỡ cho nhiều người hơn.

Lời cảm ơn là động lực

Mỗi ngày, từ 3h, vợ chồng chủ quán đã dậy để vào bếp. Hai người nấu 50 lít cháo để bán đến tối muộn. Vì nguyên liệu chính là nội tạng, chị Dung tự tay lựa mới mỗi ngày nhằm đảm bảo vệ sinh và hương vị món ăn.

Một phần cháo đầy đủ với phèo, gan, ngũ linh, bao tử, tim có giá 25.000 đồng. Suất ăn còn kèm theo rau thơm và nước mắm ớt hành cho những ai có khẩu vị đậm đà. Bên cạnh đó, quán còn bán thêm bún lòng và các món ăn khác liên quan đến nội tạng heo.

“Tô cháo 5.000 đồng cũng tươm tất như phần 25.000 đồng. Nhiều lúc, gặp những cô chú già yếu bán vé số, tôi múc thêm đồ ăn cho họ. Cô chú làm việc cả ngày dài như thế, phải ăn no mới có sức”, chị Dung chia sẻ.

Sau thời gian dài đóng cửa vì dịch, quán mất đi lượng lớn khách quen. Bên cạnh đó, cơn bão giá ập đến khiến việc kinh doanh càng trở nên bấp bênh. Dù vậy, anh Hòa và chị Dung vẫn quyết định giữ nguyên giá bán. Gần đây, để việc phục vụ, chăm sóc khách được chu đáo hơn, hai người còn quyết định thuê thêm một nhân viên phụ bán.

Giá cả ngày một leo thang nên việc cân đối tài chính trở nên khó khăn hơn trước. Song, anh chị vẫn không có ý định dừng việc vừa bán vừa tặng vì biết có nhiều người cần sự hỗ trợ này.

“Từng có một cô bán vé số đến ăn mà rơm rớm nước mắt cảm ơn chúng tôi liên tục. Cô bảo sao chúng tôi tốt quá, bán buôn vất vả thế nhưng vẫn cho cô ăn miễn phí. Sự quý mến và lời cảm ơn như vậy chính là nguồn động lực để vợ chồng tôi tiếp tục treo biển giúp đỡ thêm được nhiều người”, chị Dung trải lòng.

Nhờ nhiều người chia sẻ về dòng thông báo đặc biệt, từng có thực khách đến ăn rồi ủng hộ phí duy trì. Dù trân trọng tấm lòng hỗ trợ, vợ chồng chủ quán từ chối vì còn khả năng cáng đáng. Họ mong số tiền sẽ đến với những hoàn cảnh thực sự khó khăn.

quan chao mien phi anh 5

Chị Dung luôn tay chuẩn bị cháo vì khách ra vào liên tục.

Khách hàng ủng hộ

Theo lời giới thiệu của người quen, Thành Nhân (24 tuổi, ngụ quận 12) ghé quán dùng bữa và nhanh chóng trở thành mối “ruột”. Món ăn kèm đa dạng, sạch sẽ là điểm anh đặc biệt thích ở cháo của quán.

“Không riêng gì mình, nhiều người thân cũng hay ghé quán ăn mỗi khi thèm cháo lòng. Suất ăn ở đây đầy đặn. Các món như lòng, tim, huyết đều được xắt bản to, tạo cảm giác rất đã khi ăn. Chưa kể, giá chỉ có 25.000 đồng. Mình nghĩ đây là mức giá khá rẻ cho một tô cháo chất lượng như thế này”, Nhân chia sẻ.

Ngoài hương vị vừa ý và giá cả phải chăng, Nhân còn thường xuyên đến ăn như một cách để ủng hộ tinh thần của quán. Anh mong việc làm tử tế này sẽ tiếp tục được nhân rộng để có thêm nhiều bà con khó khăn được giúp đỡ.

Tương tự Thành Nhân, Minh Triết (21 tuổi, sinh viên) cũng đánh giá cao hành động tốt đẹp này của quán. Anh kể mình biết đến quán qua mạng xã hội. Sự nhiệt tình và thân thiện của vợ chồng chủ quán cũng là điều khiến anh ấn tượng.

“Cháo ngon lại có giá rẻ như cho. Bản thân là sinh viên với thu nhập không cao, mình luôn biết ơn và trân trọng những hàng quán nghĩa tình như thế này. Chỉ mong sao sẽ có nhiều thực khách đến ủng hộ để quán có thể tiếp tục nghĩa cử đẹp này”, Triết bày tỏ.