Mạnh tay với nạn phân lô bán nền, cấp sổ đỏ giả

Các cá nhân mua lại đất vườn, đất trồng caosu, cà phê từ người dân rồi tự làm đường để phân lô bán nền. UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu xử lý trách nhiệm của tổ chức, người đứng đầu đơn vị nếu địa phương nào xảy ra tình trạng phân lô bán nền trái quy định.
manh-tay-1639878349.jpg
Khu đất phân lô bán nền ở huyện Đak Đoa (Gia Lai) khiến nữ Phó Chủ tịch huyện dính vào lao lý. Ảnh T.T

Các cá nhân mua lại đất vườn, đất trồng caosu, cà phê từ người dân rồi tự làm đường để phân lô bán nền. UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu xử lý trách nhiệm của tổ chức, người đứng đầu đơn vị nếu địa phương nào xảy ra tình trạng phân lô bán nền trái quy định.

Đi đâu cũng gặp “cò đất”

Sau nới lỏng giãn cách xã hội trong trạng thái bình thường mới, giới kinh doanh bất động sản tại Gia Lai bắt đầu hoạt động rầm rộ trở lại. Dựa vào thông tin đồn đoán việc giá cả lạm phát, Chính phủ tung gói kích cầu nền kinh tế với số tiền hàng nghìn tỉ đồng, “cò đất” lên mạng rao bán đất nền.

Nóng nhất là khu vực giáp ranh với TP.Pleiku như xã Ia Sao, Ia Der; gần khu vực sân Golf FLC, khu trung tâm hành chính mới huyện Đak Đoa…. Đi dọc các đường làng của thôn Jút 2, thôn Đức Thành (thuộc huyện Ia Grai) biển quảng cáo bán đất giăng trên cây, trụ điện và trước ngõ nhà dân.

Tại đường Văn Cao, thôn 2, xã Trà Đa và thôn 1, xã Biển Hồ, TP.Pleiku, nhân viên công ty môi giới bất động sản dẫn khách từng tốp 3-5 người đi xem đất. Chủ đất mua lại hơn 1.000m2 đất, san phẳng vườn cà phê rồi cắm cọc phân từng lô. “Cò đất” quảng cáo đất “view ruộng” giá rẻ, đảm bảo sau Tết ra được sổ đỏ.

“Sản phẩm đất nền bên Công ty mới tung ra, tầm giá từ 400-600triệu/1lô nên thu hút rất nhiều khách hàng có tiền nhàn rỗi mùa dịch COVID-19 để đầu tư. Khu vực gần trường, gần chợ, không gian ruộng lúa thoáng mát nên đã có nhiều khách đặt cọc. Chỉ cần chậm chân là hết hàng. Đường đất đã được nhân viên địa chính xã cắm mốc, qua Tết sẽ làm đường rộng 8m”, Hoài Thương - một “cò đất” nổ với khách.

Tại thôn Đức Thành, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, một số hộ dân phá bỏ vườn cà phê sát với mặt đường bêtông với ý định xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền. Mặc dù chưa được cơ quan chức năng đồng ý tách thửa, phân lô nhưng công ty bất động sản vẫn quảng cáo rầm rộ trên mạng. Các vị trí đường bêtông tự làm được công ty môi giới bất động sản vẽ ra, in thành tờ rơi để giới thiệu với khách hàng.

“Cò đất” niềm nở mời chào khách hàng qua mạng, qua điện thoại với lời hứa “quy hoạch mở rộng đường, mở rộng không gian phố núi Pleiku, kết nối khu du lịch, đường tránh Pleiku…”.

Nhận diện thủ đoạn phân lô bán nền

Việc phân lô bán nền trên đất nông nghiệp diễn ra âm ỉ nhiều qua năm tại TP.Pleiku. Một thời gian lắng xuống do dịch bệnh thì bây giờ lại xôn xao trở lại. Ông Đào Lân Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết, huyện đã chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra, chủ động nắm bắt thông tin để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, lũng đoạn, gây bất ổn thị trường bất động sản. Đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Thực tế, thời gian qua một số đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất vườn ao của hộ gia đình, cá nhân tại xã Ia Dêr, Ia Sao. Trong đó đa số là mua bán từ đất có nguồn gốc của hộ dân tộc thiểu số tại chỗ, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở với diện tích lớn, tách thửa bán nền, gây sốt thị trường đất nền. UBND huyện Ia Grai nhận định, tình trạng này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng đất. Khi nhà nước làm dự án thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ gặp khó khăn do giá đất bị đẩy quá cao so với thực tế và nhu cầu thực của người dân.

Huyện Ia Grai yêu cầu chính quyền các xã Ia Sao, Ia Dêr tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, môi trường đến từng thôn, làng để người dân biết. Đặc biệt quan tâm đến hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tránh bị một số đối tượng xấu lợi dụng trao đổi, mua bán đất đai trục lợi.

Để mạnh tay với phân lô bán nền, làm trái quy định của nhà nước, phá vỡ quy hoạch, thời gian gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai tiến hành khởi tố nhiều vụ án hình sự thu hút sự quan tâm của dư luận. Tháng 12.2021, Công an tỉnh Gia Lai tiến hành khởi tố bị can đối với bà Giang H’đan - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa để điều tra về hành vi Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Trước đó bà Đan đã ký quyết định cho phép ông Trần Xuân Hùng - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, được chuyển mục đích hơn 1,4ha đất trồng cây lâu năm thành đất ở nông thôn. Sau đó, ông Hùng tiến hành phân lô bán nền với hơn 30 sổ đỏ được cấp.

Cũng liên quan đến công tác quản lý đất đai, phân lô tách thửa, Công an tỉnh Gia Lai khởi tố, bắt giam nhiều cán bộ như Vũ Ngọc Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Nga là nguyên cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh. Tháng 8.2021, Công an tỉnh Gia Lai bắt tạm giam bà Bùi Thị Nguyên Sáng (40 tuổi) - nguyên Trưởng phòng Thông tin-Lưu trữ thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai, để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong thời gian bà Sáng làm Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ia Grai đã ký cấp hơn 10 sổ đỏ từ các bộ hồ sơ giả. Các đối tượng ở huyện Ia Grai đem số sổ đỏ này đi thế chấp tại các ngân hàng để vay 6 tỉ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Khi ngân hàng tố cáo đến cơ quan Công an bộ sổ đỏ thật nhưng cấp trên đất phân lô của người khác thì đã bị thiệt hại nhiều tỉ đồng.

THANH TUẤN