Lo ngại đồng VNĐ mất giá ảnh hưởng mạnh tới lạm phát năm 2024

Theo VEPR và Think Future, giá nguyên liệu, nhiên liệu nhập khẩu tăng sẽ làm tăng giá thành sản xuất. Về lý thuyết nhà sản xuất sẽ tìm cách để đẩy phần chi phí tăng thêm này vào giá bán cho người tiêu dùng và vì vậy làm tăng lạm phát.
Lo ngại đồng VNĐ mất giá ảnh hưởng mạnh tới lạm phát năm 2024- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Khác với các năm trước, tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh ngay từ nửa đầu năm 2024. Tính đến cuối tháng 4, giá USD tại các ngân hàng đã tăng tổng cộng gần 4,4% so với cuối năm 2023 – mức tăng 4 tháng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong Báo cáo tư vấn chính sách "Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024" mới công bố, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Think Future cho biết, ảnh hưởng của tỷ giá tới lạm phát chủ yếu mang tính gián tiếp do hầu hết các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của Việt nam đều phải nhập khẩu. Ví dụ năm 2023, Việt nam nhập 25 tỷ USD dầu thô và nhiên liệu (xăng, than, khí đốt), 16 tỷ USD nguyên liệu hóa chất và chất dẻo, 8 tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Do phải mua bằng USD nên khi giá USD tăng, giá về tới Việt nam quy đổi ra VND cũng tăng.

"Giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng sẽ làm tăng giá thành sản xuất. Về lý thuyết nhà sản xuất sẽ tìm cách để đẩy phần chi phí tăng thêm này vào giá bán cho người tiêu dùng và vì vậy làm tăng lạm phát", nhóm nghiên cứu nhận định.

VEPR dẫn các nghiên cứu thực tế tại Việt Nam chỉ ra ảnh hưởng tương đối lớn của tỷ giá đến lạm phát. Một kết quả tương đối thận trọng thì chỉ ra rẳng cứ 1% mất giá đồng VND thì lạm phát sẽ tăng 0,34%. Như vậy nếu theo nghiên cứu này thì với mức mất giá 4,5% kể từ đầu năm 2024 , lạm phát sẽ tăng thêm 1,5%. Đây là chưa tính tới việc tăng giá tự nhiên như giá xăng trong nước tăng theo giá dầu thế giới.

Một điểm tương đối thuận lợi cho kiểm soát lạm phát của Việt nam là giá nhiều hàng hóa nhập khẩu như than và ngũ cốc đang có xu hướng giảm. Ngoài ra, điều hành giá cả ở Việt nam cũng có những điểm đặc thù.

Thứ nhất, Việt nam là nước xuất khẩu ròng lương thực nên Nhà nước có thể bình ổn giá lương thực trong nước trong trường hợp cần thiết.

Thứ hai là Nhà nước có thể kiểm soát việc tăng giá các mặt hàng như điện, học phí và dịch vụ y tế. Trong những năm có nguy cơ lạm phát cao, các mặt hàng này sẽ không được tăng giá. Những năm lạm phát thấp, ví dụ như năm 2023 vừa qua, nhóm này sẽ được tăng "bù".

"Dẫu vậy, những mặt hàng nhà nước kiểm soát có tỷ trọng không lớn trong rổ CPI. Lạm phát những tháng đầu năm đang có xu hướng nhích lên. Tháng 3 tăng 3,97%, tháng 4 CPI đã tăng lên 4,4%. Vì vậy thận trọng với tỷ giá là không thừa để kiểm soát lạm phát trong năm 2024", nhóm nghiên cứu đánh giá.

Lo ngại đồng VNĐ mất giá ảnh hưởng mạnh tới lạm phát năm 2024- Ảnh 2.

Nguồn: VEPR

Trước đó, chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tỷ giá là một vấn đề lớn của nền kinh tế, nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động tới lạm phát. Do đó, NHNN cũng đặt vấn đề quản lý tỷ giá và điều hành trong thời gian tới.

"Do độ mở của nền kinh tế nên việc điều hành tỷ giá lúc này rất quan trọng, NHNN sẽ điều hành tỷ giá một cách hợp lý", Phó Thống đốc nói.

Theo ông Tú, NHNN đã có những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên như điều tiết lượng tiền trong lưu thông để hài hòa, điều hành lãi suất hợp lý để hài hòa với tỷ giá và tính toán mức độ hợp lý để đạt cả 2 mục tiêu.

Lãnh đạo NHNN cho biết, điều hành tỷ giá trung tâm để chống đầu cơ tích trữ ngoại tệ. NHNN đã đẩy mạnh các công cụ để có lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và biện pháp cuối cùng là mang tính chất hành chính, khi buộc phải bán ngoại tệ. Dù mới chỉ là bước đầu sẵn sàng bán ngoại tệ.

"Rất mong các doanh nghiệp và nền kinh tế cũng không nên kỳ vọng, găm giữ, đầu tư ngoại tệ để có thể tạo ra những áp lực trạng thái cân đối ngoại tệ cho nền kinh tế, để các DN, NHTM cùng thực hiện hiện tốt mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế", ông Tú nói.