Làm gì khi bé bị đau bụng?

Bé nhà tôi hiện 2 tuổi. Thỉnh thoảng, con gặp vấn đề về tiêu hóa, bị đau bụng và nôn. Mỗi lần như vậy tôi rất bối rối và không biết nên xử trí ra sao. Xin nhờ bác sĩ hướng dẫn.

Bé nhà tôi hiện 2 tuổi. Thỉnh thoảng, con gặp vấn đề về tiêu hóa, bị đau bụng và nôn. Mỗi lần như vậy tôi rất bối rối và không biết nên xử trí ra sao. Xin nhờ bác sĩ hướng dẫn.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương

Khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho trẻ nằm nghỉ. Cha mẹ cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa con đến bệnh viện kịp thời. Phụ huynh không nên vội sử dụng thuốc giảm đau cho bé vì có thể làm che lấp những dấu hiệu cần thiết để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán.

Trẻ cần uống đủ nước để tránh bị mất nước khi nôn hay tiêu chảy nhiều. Tốt nhất là cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải (Oresol). Có nhiều chế phẩm (viên, gói bột) để pha dung dịch Oresol, cha mẹ cần pha đúng theo hướng dẫn.

Bố mẹ cũng không cho trẻ uống một lúc quá nhiều mà nên kiên nhẫn cho con uống từ từ từng ngụm nhỏ, 50-100 ml Oresol sau mỗi lần trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy. Nếu trẻ đã được uống theo nguyên tắc ít một nhưng vẫn bị nôn, tình trạng đi ngoài còn nhiều, bạn cần nhanh chóng đưa trẻ tới viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch.

Bố mẹ lưu ý là không tự sử dụng thuốc cầm nôn và cầm tiêu chảy. Nôn và tiêu chảy là một hoạt động để tống các tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể. Sử dụng thuốc không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhu động ruột, giảm hấp thu. Đồng thời, chúng kéo dài thời gian lưu lại trong đường tiêu hoá của vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm làm trẻ đầy, chướng bụng.

Bạn nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh và cho ăn trở lại bình thường, nhiều hơn khi bé hồi phục. Nếu trẻ không nôn trớ 12-24 giờ, bạn có thể cho bé ăn uống lại bình thường nhưng vẫn cho con uống nhiều nước. Hãy bắt đầu với những thực phẩm dễ tiêu hóa như ngũ cốc hay sữa chua.

Nếu trẻ có biểu hiện sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ hãy sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường như Efferalgan, Hapacol, Tylenol (lưu ý liều lượng theo cân nặng). Cha mẹ không tự ý dùng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.

Trẻ con đứa nào chẳng ốm

Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, sốt khi tiêm phòng, gặp vấn đề tiêu hóa…

Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.