Dệt may Thành Công: Lợi nhuận xuống đáy, thấp nhất trong 6 quý qua

Quý 2 thiếu đơn hàng, dự báo Quý 3 lượng đơn hàng cũng không cao, lợi nhuận của Dệt may Thành Công (TCM) chạm đáy thấp nhất trong 6 quý trở lại đây.
det-may-thanh-cong-loi-nhuan-xuong-day-thap-nhat-trong-6-quy-qua-1690508183.jpg

Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (gọi tắt là Dệt may Thành Công) có tiền thân là Hãng Tái Thành Kỹ Nghệ Dệt, thành lập từ tháng 8 năm 1976. Trong năm 2021 và 2022, đơn vị này đã có tăng trưởng và phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh trong Q2/2023 lại cho thấy tình hình ảm đạm. Thậm chí theo công ty thì có vẻ tình trạng thiếu hụt đơn hàng còn có thể kéo dài sang cả Quý 3.

Lợi nhuận TCM Quý 2 sụt giảm 95,8%

Theo công bố trên báo cáo tài chính Q2/2023 thì doanh thu Quý 2 của Dệt may Thành Công chỉ đạt 714,5 tỷ đồng, giảm tới 31,9% so với cùng kỳ. Nếu tính riêng trong tháng 6 gần nhất, doanh thu của công ty cũng chỉ đạt 9,35 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của tháng 6 chỉ đạt 155.000 USD, giảm tới 81%.

Tình trạng sụt giảm doanh thu này đã kéo dài từ nhiều tháng nay nhưng đà giảm mạnh kỷ lục tại tháng 6 cũng thực sự cho thấy vấn đề lớn tronghoạt động kinh doanh của TCM.

Doanh thu giảm nhưng giá vốn hàng bán vẫn chiếm 619,2 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 95,3 tỷ tương đương với biên lợi nhuận gộp đã giảm từ 16,5% xuống chỉ còn 13,3%.

Doanh thu tài chính tăng từ 12,5 tỷ lên 17,8 tỷ đồng, tương đương mức tăng 5,3 tỷ đồng. Nhưng bù lại thì chi phí tài chính lại tăng từ 28,9 tỷ lên 38,4 tỷ, gây áp lực nặng nề lên doanh thu của Dệt may Thành Công. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm, lần lượt ghi nhận ở 37,1 tỷ và 23,5 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi hết các chi phí cùng thuế, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của TCM ghi nhận ở mức 2,3 tỷ đồng. So với cùng kỳ thì lợi nhuận TCM đã giảm tới 95,8%. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất mà TCM ghi nhận trong 6 quý gần nhất và chỉ cao hơn so với Quý 3 năm 2021.

Giải trình về tình hình kinh doanh khó khăn, Dệt may Thành Công cho biết lượng đơn hàng thiếu hụt trong Quý 2 và cả Quý 3. Thêm vào đó, nền kinh tế thế giới phục hồi chậm từ nay tới cuối năm cũng có thể gây ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh. Hiện tại đơn vị mới nhận được 76% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho Quý 3 và 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho Quý 4.

Kinh doanh đi xuống, Dệt may Thành Công vẫn giữ hơn 600 tỷ tiền mặt

Mặc dù tình hình kinh doanh đi xuống và bức tranh ảm đạm sẽ còn có thể kéo dài tới cuối năm nhưng Dệt may Thành Công vẫn có nền tảng tài chính tương đối vững.

Cụ thể thì tổng tài sản của công ty tại cuối tháng 6 đạt 3.348,7 tỷ đồng. Đáng chú ý đó là công ty đang giữ 303,9 tỷ đồng tiền mặt cùng các khoản tương đương tiền. Chỉ tiêu tài chính này dù có giảm gần 1/3 so với đầu năm nhưng cũng vẫn là con số đáng kể. Lượng tiền gửi ngân hàng cũng chiếm 307,6 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu năm

.

Hiện tại, công ty đang có 313,5 tỷ đồng phải thu của khách hàng cùng với 69,2 tỷ đồng nợ khó đòi. Hàng tồn kho cũng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của TCM với 1.225,1 tỷ đồng, tương đương với hơn 1/3 tổng tài sản. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận tài sản cố định lên tới 1.018,1 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, TCM đang có 1.415,1 tỷ đồng nợ phải trả. Trong đó phần lớn là nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn, chiếm tới 805,7 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn của công ty đã giảm hơn so với đầu năm, chỉ còn 90,9 tỷ đồng.

Vốn chủ của TCM ghi nhận 1.933,6 tỷ đồng với vốn góp của chủ sở hữu chiếm 1.933,6 tỷ đồng. Quỹ đầu tư phát triển chiếm lượng lớn với 399,5 tỷ đồng cùng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đang chiếm 612,2 tỷ đồng.