'Cần thị trường điện mở cửa, cạnh tranh'

Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định về tăng giá điện. Quyết định này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 3/2/2023, thay thế cho quyết định 34/2017 của Thủ tướng cho giai đoạn 2016 - 2020 (với mức tối thiểu là 1.606,19 đồng/kWh và tối đa là 1.906,42 đồng/kWh). Việc tăng giá điện, giá nhiên liệu như xăng dầu, tăng lãi suất vay sẽ là những thách thức đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong năm 2023.
thi-truong-dien-1677155836.jpg

Tuy nhiên, giá điện tăng là điều nên được xem là tất yếu. Khi nhìn tổng thể, chúng ta có thể thấy rõ là Việt Nam có mức giá điện thấp trong khu vực ASEAN so với nhiều nước. Việc tăng giá điện có thể xảy ra thường xuyên hơn qua các năm sắp tới khi mà Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và có các cam kết mở thị trường điện.

Theo chúng tôi, giá điện tăng sẽ giúp Việt Nam tiếp nhận công nghệ tiên tiến, đón nhận đầu tư từ các ngành ít tiêu thụ điện năng, ứng dụng công nghệ tiết kiệm điện. Xem xét thống kê giá điện bình quân qua các năm theo bảng dưới đây, chúng ta thấy rằng như bao mặt hàng khác, điện tăng giá hàng năm. Việc ghìm tăng giá điện chỉ có thể làm trong ngắn hạn để đáp ứng một số tiêu chí vĩ mô, còn về dài hạn thì bất kỳ quốc gia nào cũng phải tăng giá năng lượng, giá điện khi thị trường biến động.

Khi giá điện tăng, người tiêu dùng sẽ cảm thấy “thoải mái” và tin tưởng hơn, ít bị bức xúc hay ức chế nếu có nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường phát điện, truyền tải điện và buôn bán điện hơn là chỉ một đơn vị duy nhất độc quyền kinh doanh ngành này. Khi ấy, người tiêu dùng giảm phụ thuộc vào một nhà cung ứng duy nhất và các nhà bán buôn, bán lẻ điện sẽ có cơ chế khuyến mãi hợp lý khi nguồn cung dư thừa và có chế độ giá khắt khe khi nguồn cung khan. Khi có thị trường điện cạnh tranh, việc mua kỳ hạn cũng được áp dụng như trường hợp ở Nhật Bản và một số nước, bên phát điện, bên phân phối, có thể đàm phán, mặc cả giao hàng kỳ hạn và các phương thức thương mại khác để tối ưu hóa nguồn tài nguyên mà đơn vị mình đang có để cung hoặc cầu.

Việt Nam đã công bố mục tiêu net zero 2050, người tiêu dùng nên cân nhắc khai thác điện mặt trời và các giải pháp tiết kiệm điện nên được ứng dụng. Điện là một mặt hàng thiết yếu dần chịu sự điều chỉnh của thị trường ngay cả khi doanh nghiệp nhà nước giữ thế độc quyền về điện. Như các nước có thị trường điện mở thì giá điện chịu sự điều chỉnh của thị trường, giảm tạo áp lực lên ngân sách chính phủ. Nhiều nhà đầu tư tham gia vào các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện sẽ làm giảm gánh nặng ngân sách của Chính phủ.

Người dân và doanh nghiệp nên được khuyến khích khai thác năng lượng tái tạo để sử dụng vì sau khi lắp, ví dụ như hệ thống điện mặt trời sử dụng cho doanh nghiệp hoặc gia đình thì chi phí tiền điện giảm đáng kể. Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích và tạo ưu đãi cho hộ và cơ sở sản xuất kinh doanh khai thác năng lượng tái tạo để sử dụng. Đồng thời, khuyến khích thật mạnh các doanh nghiệp nội địa đầu tư sản xuất trang thiết bị và vật tư năng lượng tái tạo để tăng tỉ lệ nội địa hóa, kéo giá thành giảm. Nguồn nắng, gió là vô tận, khi người tiêu dùng khai thác được những nguồn tái tạo này thì giảm áp lực rất đáng kể lên lưới điện và người tiêu dùng ít bị tác động về việc tăng giá điện.

Giả sử, một hộ kinh doanh lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho riêng mình trong năm 2023 thì trong một thập kỷ tiếp theo, từ 2023 đến 2032, giá điện nếu tăng bình quân 7%/năm, thì hộ kinh doanh đó hoàn toàn độc lập khỏi việc tăng giá điện hàng năm này. Khi quy mô số lượng người tiêu dùng độc lập về năng lượng nhờ khai thác điện mặt trời và nguồn tái tạo khác thì quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều ngân sách xây dựng nhà máy điện mới, xây dựng hạ tầng truyền tải...

Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu sẽ đối mặt với việc bị đánh thuế carbon khi đưa hàng đi các thị trường phát triển như châu Âu. Việc sớm có chiến lược đầu tư khai thác điện tái tạo sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí điện và có tâm thế sẵn sàng đáp ứng các rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu tiên tiến (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...)